PHÒNG TRỊ BỆNH GIUN ĐŨA TRÊN BÊ

Thông thường, bê mắc bệnh dáng đi lù đù, chậm chạp, đầu cúi, đuôi cụp, lưng cong. Nếu bệnh nặng thì bỏ ăn, nằm một chỗ, thở yếu, đau bụng giãy dụa, lông xù, niêm mạc nhợt nhạt, mũi khô, hơi thở thối, thân nhiệt 40oC – 41oC. Khi thú sắp chết thân nhiệt hạ xuống dưới mức bình thường.
Phân lúc đầu có màu vàng hay trắng, 3 – 4 ngày sau phân có màu xanh sẫm rồi chuyển sang màu vàng thẫm có lẫn máu và chất nhầy. Vài ngày sau, phân dần dần chuyển sang màu trắng và lỏng dần, mùi thối khắm, thú ỉa vọt cần câu, phân dính ở khuỷu chân và quanh hậu môn. Bê gầy sút nhanh và chết vào lúc phân lỏng trắng. Thời gian tiến triển của bệnh nhanh nhất là 5 ngày, chậm nhất là 48 ngày, nhưng thông thường là 11 – 30 ngày, thú thường chết từ 7 – 16 ngày sau khi phát bệnh vì kiệt sức. Tỷ lệ bê chết chiếm 30% số bê bị bệnh. Nếu được điều trị sớm, bê sẽ khỏi bệnh sau 5 – 10 ngày.
Để phòng trị bệnh hiệu quả, cần áp dụng các biện pháp sau:
+ Đảm bảo chuồng trại khô ráo sạch sẽ, định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại, ủ phân trước khi sử dụng làm phân bón cây trồng nhằm tận dụng nhiệt độ cao khi ủ làm mất hiệu lực gây bệnh của trứng và ấu trùng giun đũa.
+ Chú ý vệ sinh khi chăn thả, tránh các bãi chăn ẩm thấp, nhiều chất thải của bò.
+ Tẩy giun định kỳ cho bò mẹ vào giữa mùa xuân (tháng 3 dương lịch) hằng năm để đề phòng bê nhiễm giun qua nhau. Tẩy phòng cho bê ở 2 thời điểm: 20 ngày tuổi và 30 ngày tuổi.
– Đối với bê dưới 2 tháng tuổi khi mắc bệnh sử dụng phác đồ điều trị sau:
+ Levamisol: 1cc/10 kg thể trọng, tiêm dưới da.
+ Vitamin ADE: 3cc/con, tiêm bắp thịt.
+ Cafein natribenzoat: 5cc/con, tiêm bắp thịt.
Sau 1 tháng tiêm lặp lại lần 2 để chống tái nhiễm.
– Đối với bê trên 2 tháng tuổi có thể sử dụng Ivermectin với liều dùng 1cc/12 kg thể trọng; tiêm dưới da để đồng thời tiêu diệt các loại ngoại ký sinh trùng khác như ve, bét, rận … Kết hợp các thuốc trợ sức vitamin ADE, cafein.

Liễu Kiều