Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. THÀNH LẬP:

Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) khi thành lập có tên gọi là Trung tâm Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) và Khuyến nông TP.HCM, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT), được thành lập theo Quyết định số 2621/QĐ-UBND ngày 2/11/1992 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM trên cơ sở hợp nhất 2 đơn vị: Trung tâm Ứng dụng KHKT Lâm nghiệp và Trung tâm Ứng dụng KHKT Nông nghiệp.

Ngày 16/6/2006, UBND Thành phố ký Quyết định số 2772/QĐ-UBND đổi tên Trung tâm Nghiên cứu KHKT và Khuyến nông thành Trung tâm Khuyến nông TP.HCM. Ngày 29/01/2007 Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 42/QĐ-SNN-TCCB về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khuyến nông; Đến ngày 22 tháng 12 năm 2016 được thay thế bởi Quyết định số 547/QĐ-SNN về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khuyến nông, bãi bỏ Quyết định số 42/QĐ-SNN-TCCB ngày 29/01/2007.

 II. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG:

Trung tâm Khuyến nông là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM; Có chức năng triển khai thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến diêm và phát triển nông thôn (sau đây gọi chung là khuyến nông) trên địa bàn Thành phố nhằm hướng dẫn, trợ giúp nông dân phát triển kinh tế nông – lâm – thủy sản, diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn;

III. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG:

1. Tham mưu, đề xuất với Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến nông trên địa bàn;

2. Xây dựng, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chương trình, kế hoạch, dự án khuyến nông tại địa phương. Tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Ký hợp đồng khuyến nông với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

4. Chủ trì thực hiện một số chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông theo phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT;

5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chương trình, dự án khuyến nông theo quy định của pháp luật;

6. Hướng dẫn về nội dung, phương pháp hoạt động khuyến nông cho các cơ quan, đơn vị tham gia hoạt động khuyến nông;

7. Chủ trì xây dựng chương trình, tài liệu hướng dẫn khuyến nông; Tổ chức tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên và nông dân;

8. Tổ chức hoạt động thông tin tuyên truyền về khuyến nông theo quy định của pháp luật;

9. Tổ chức và tham gia tổ chức các hội thi, hội thảo, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về khuyến nông. Xây dựng mô hình trình diễn, thực nghiệm khuyến nông để chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân học tập làm theo;

10. Tư vấn và cung cấp dịch vụ khuyến nông theo quy định của pháp luật;

11. Tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn theo phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và quy định pháp luật;

12. Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai tại địa phương;

13. Quản lý và sử dụng quỹ hoạt động khuyến nông (nếu có) theo quy định của pháp luật;

14. Thực hiện hợp tác quốc tế về khuyến nông theo quy định của pháp luật;

15. Báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án về khuyến nông theo quy định;

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giao.

IV CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY:

1. LÃNH ĐẠO TRUNG TÂM:

+ 01 Giám đốc:

+ 02 Phó Giám đốc:

2. CÁC PHÒNG BAN CHUYÊN MÔN TRUNG TÂM:

Các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm gồm 04 phòng, cụ thể:

– Phòng Tổ chức – Hành chính;

– Phòng Kế hoạch Tài chính;

– Phòng Kỹ thuật;

– Phòng Thông tin Tuyên truyền.

3. CÁC TRẠM TRỰC THUỘC:

– Trạm Khuyến nông Củ Chi;

– Trạm Khuyến nông Hóc Môn;

– Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân;

– Trạm Khuyến nông Nhà Bè;

– Trạm Khuyến nông Cần Giờ;

– Trạm Khuyến nông Quận 12;

– Trạm Khuyến nông Thành phố Thủ Đức;

– Trạm Trình diễn và Dạy nghề nông nghiệp.

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC TRẠM KHUYÊN NÔNG

1. Tổ chức các hoạt động khuyến nông nhằm phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, môi trường tại địa phương; Đưa tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất theo Kế hoạch của Trung tâm và của địa phương;

2. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn, các hội, đoàn ở địa phương: Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương;

3. Xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho nông dân tham quan, khảo sát, học tập các mô hình sản xuất tiên tiến, đạt hiệu quả cao;

4. Chủ động nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phối hợp tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ cho nông dân tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc tiêu thụ nông sản;

5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác tháng, quý năm, hướng dẫn nghiệp vụ, phân công nhiệm vụ, quản lý, theo dõi, đôn đốc nhân viên khuyến nông phường, xã;

6. Xây dựng, hỗ trợ Câu Lạc bộ khuyến nông, Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất hoạt động có hiệu quả;

7. Thông tin, báo cáo kịp thời tình hình thực hiện kế hoạch khuyến nông, tình hình sản xuất và nguyện vọng của nông dân cho Trung tâm và Ủy ban nhân dân quận, huyện.

VI. NHỮNG HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT:

1. Hoạt động Khuyến nông những năm đầu mới thành lập (1993 – 1998):

Giai đoạn này Trung tâm Khuyến nông (TTKN) TP.HCM tập trung hỗ trợ nông dân canh tác đúng kỹ thuật trên các đối tượng sẵn có, cải thiện dần tập quán canh tác lạc hậu. Từng bước chuyển giao một số giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như: các giống đậu phộng mới, giống rau F1 (cải ngọt TG1, cải bắp, dưa leo, bầu,…); Giống cây ăn trái mới như sầu riêng hạt lép, xoài Thái Lan,… cho vùng ven sông Sài Gòn, Đồng Nai; Mô hình trồng mãng cầu ghép bình bát cho các vùng mặn, phèn; Chuyển giao kỹ thuật canh tác nông nghiệp tổng hợp Vườn – Ao – Chuồng (VAC) hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững; Nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, túi ủ Biogas cải thiện và bảo vệ môi trường, vệ sinh khi vắt sữa, giúp nông hộ tăng thu nhập từ nghề chăn nuôi bò sữa, góp phần tăng quy mô đàn bò của Thành phố; Giới thiệu giống heo hướng nạc,…; Áp dụng kỹ thuật nuôi cá ao, nuôi tăng sản và giới thiệu giống cá rô phi đơn tính phục vụ nuôi tăng sản.

Trong giai đoạn này, Khuyến nông đã hỗ trợ các hoạt động tập huấn, tham quan, hội thảo và trình diễn kỹ thuật … cho khoảng 16.000 lượt nông dân/01năm, giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 24 triệu đồng/ha/năm (1997) lên 32 triệu đồng/ha/năm (2000).

Bên cạnh đó, Khuyến nông cũng đã chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, giúp nông dân tiến cận nhiều kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Đó cũng là cơ sở để Chương trình Phát thanh Khuyến nông (phát sóng vào thứ 5 và thứ 7 hàng tuần) trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã ra đời, do TTKN đã phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM thực hiện từ năm 1994 đến nay. Qua đó, đã phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, những mô hình hiệu quả về nông nghiệp, tạo điều kiện và khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những mô hình phù hợp với nền nông nghiệp địa phương. Đồng thời, đây còn là kênh thông tin giúp nhiều nông dân Thành phố và các tỉnh thành lân cận có cơ hội nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào thực tiễn, nâng cao thu nhập cho nông hộ. Ngoài Chương trình Phát thanh, Khuyến nông còn tổ chức thực hiện các Bản tin Khuyến nông, Kinh nghiệm gần xa, là những tài liệu cầm tay, giúp nông dân có điều kiện tham khảo, học tập và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn.. 

2. Thực hiện Chương trình nông nghiệp trọng điểm – Chương trình 2 cây – 2 con (1999 – 2005):

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà Nước về phát triển nông nghiệp – nông thôn (NQ 06/NQ-TW ngày 10/11/1998), từ năm 1999 Khuyến nông TP.HCM tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ngoại thành, bước đầu chuyển từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị, phù hợp với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá (CNH-HĐH), tạo sản phẩm ngày càng chất lượng, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung thực hiện Chương trình nông nghiệp trọng điểm – Chương trình 2 cây – 2 con (mỗi năm thu hút khoảng 25.000 lượt nông dân tham gia).

Trong đó, chương trình 02 cây – nổi trội là mô hình trồng Rau an toàn (RAT) chuyển đổi đất lúa, đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng rau đạt tiêu chí RAT tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và thực hiện thử nghiệm mô hình trồng Dứa Cayenne (>11 ha) tại Bình Chánh. Với mô hình RAT đã góp phần tăng nhanh diện tích từ 200 ha (2001) lên trên 1.600 ha (2003) và đạt trên 2.000 ha (2005), chiếm 88,9 % tổng diện tích canh tác RAT Thành phố; Còn với chương trình 02 con, tập trung phát triển mô hình bò sữa và tôm sú. Trong đó, bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực, sản phẩm sữa trở thành nông sản hàng hoá, nhiều bà con nông dân làm giàu nhờ chăn nuôi bò sữa (tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh). Cụ thể đã tăng nhanh đàn bò sữa từ 25.000 con (2000) lên gần 50.000 con (2005), tăng bình quân 14,5 % năm. Với mô hình tôm sú hỗ trợ nông dân chuyển đổi vùng đất phèn nhiễm mặn, độc canh cây lúa, năng suất thấp (Cần Giờ, Nhà Bè) chuyển sang thực hiện mô hình thành công với sản lượng hàng hoá (xấp xỉ 8.000 tấn/năm), đạt giá trị trên 500 tỉ đồng, tăng lợi nhuận từ 52 – 200 lần so với trồng lúa,…

Đặc biệt, trong giai đoạn này, Khuyến nông đã kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động để hỗ trợ, phát triển chức năng và nhiệm vụ, thông qua việc thành lập Trang thông tin điện tử Khuyến nông (Website: khuyennongtphcm.com) vào năm 2005, nhằm giúp nông dân dễ dàng cập nhật kiến thức kỹ thuật qua máy tính, với những hình ảnh thực tế, câu chuyện sinh động về sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Khuyến nông, phát triển nông nghiệp, nông thôn cả nước. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của nông dân trong thời kỳ mới về công tác thông tin tuyên truyền, hiện Khuyến nông TP.HCM đã nâng cấp hình thức và nội dung Trang thông tin điện tử Khuyến nông bằng việc chuyển đổi tên miền Website từ khuyennongtphcm.com sang khuyennongtphcm.vn.

3. Tập trung chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ yếu tại địa phương (2006 – 2015):

Từ năm 2006 – 2015, Thành phố đã phê duyệt nhiều Quyết định, Chương trình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các Đề án về xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp quy mô cấp xã tại 13 xã phường, các Chương trình mục tiêu phát triển sản phẩm chủ yếu (RAT, hoa kiểng, cá cảnh, bò sữa, thuỷ sản). Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành (6%/năm), mục tiêu trọng tâm được đặt ra là phấn đấu chuyển đổi 11.000 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau, hoa kiểng, cỏ chăn nuôi, nuôi thuỷ sản,… Bước đầu tạo được các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả tại các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần thiết thực vào việc thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân. Giai đoạn này, hàng năm có khoảng 10.000 lượt nông dân tham gia trực tiếp và hưởng lợi từ các mô hình khuyến nông.

Theo đó, từ Chương trình 02 cây – 02 con, Khuyến nông đã chuyển đổi mô hình từ trồng RAT sang rau sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển kỹ thuật trồng hoa – cây kiểng ở các quận huyện, đặc biệt là hoa lan. Đồng thời, trang bị hệ thống tưới phun sương, phun sương bán tự động cho các hộ trồng lan cắt cành, diện tích trên 35.000 m2 từ 2008 – 2010; Từ mô hình nuôi bò sữa đã chuyển sang xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa hoàn chỉnh, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tăng cường cơ giới hoá (máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại, khuyến khích cho bò ăn theo khẩu phần TMR). Triển khai các mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…; Thực hiện các giải pháp giúp nông dân giảm bớt rủi ro khi nuôi tôm chuyên canh tập trung, góp phần duy trì và phát triển nuôi thủy sản vùng nước lợ như: cải tiến quy trình nuôi tôm theo hướng hữu cơ, tăng cường kiểm soát môi trường bằng chế phẩm sinh học. Đa dạng đối tượng nuôi và hình thức nuôi như: nuôi luân canh tôm sú với cua, nuôi chuyên canh cua từ con giống sinh sản nhân tạo, nuôi ghép tôm sú – cua, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP. Thay thế các mô hình nuôi thuỷ sản hiệu quả thấp bằng nhiều mô hình nuôi cá cảnh như: cá ông tiên, cá chép nhật, cá Đĩa, cá Tứ vân,…

Đặc biệt, điểm nổi bật trong giai đoạn này là Khuyến nông Thành phố đã nhân rộng mô hình Câu Lạc bộ (CLB) Khuyến nông – Cà phê Khuyến nông, là một trong những mô hình phát huy hiệu quả xã hội thông qua việc tổ chức cho nông dân tham gia các hoạt động của Trạm khuyến nông: như tập huấn, tham quan, hội thảo, xây dựng mô hình trình diễn chăn nuôi, trồng trọt; Đặc biệt, hiệu quả xã hội thể hiện rõ nét nhất tại các điểm Cà phê Khuyến nông. Tại đây, Khuyến nông đã trang bị mỗi điểm cà phê là mỗi một bộ máy vi tính dùng tra cứu thông tin trên mạng, một tủ sách đựng tài liệu kỹ thuật. Ngoài ra, có nhiều CLB đã chủ động sáng tạo trang bị thêm ti vi và đầu đĩa để xem phim khoa học kỹ thuật do khuyến nông cung cấp,… Từ việc trang bị các thiết bị kỹ thuật như trên đã giúp các thành viên CLB vừa được thư giãn, vừa có thể tra cứu thông tin, giá cả thị trường phục vụ sản xuất, đồng thời tiếp nhận nhiều thông tin mới về sản xuất để triển khai kịp thời đến các thành viên cùng thực hiện.

4. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp đô thị (từ 2016 đến nay):

Thực hiện Quyết định 4652/QĐ-UBND ngày 6/9/2016 về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn TP.HCM (2016 – 2020) và Quyết định 1589/QĐ-UBND ngày 27/4/2019 của UBND TP.HCM về việc ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp (2019 – 2025) theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Khuyến nông Thành phố tập trung hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua các hoạt động: Tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật từ đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyển giao cho nông dân, nhằm tạo ra giống mới chất lượng và chủ động nguồn giống đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất; Xây dựng các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa, mía sang các cây trồng vật nuôi khác hiệu quả theo hướng ưu tiên sản phẩm chủ lực của ngành, trình diễn ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển giao giống an toàn dịch bệnh, chất lượng, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương pháp tổ chức quản lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và nhân rộng cho bà con nông dân, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, như:

Tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất và tiêu thụ RAT, rau VietGAP. Ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất như mô hình gieo ươm cây con trong khay, áp dụng vật tư phân bón giống theo quy trình VietGAP. Chuyển giao giống mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thị trường Thành phố (mô hình trồng củ cải đỏ mini, dâu tây NewZealand và Mỹ). Ứng dụng cơ giới hóa các thiết bị máy móc vào sản xuất (máy gieo hạt, máy phun thuốc, hệ thống tưới tiết kiệm,…) giúp nông dân tiết kiệm thời gian, công lao động, chi phí, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục triển khai các mô hình hoa – cây kiểng chủ lực, đặc biệt là hoa lan, giúp nông dân mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, hình thành những vùng sản xuất hoa lớn (ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh). Thực hiện các mô hình trồng và chăm sóc hoa mai, hoa nền nhằm đa dạng chủng loại đáp ứng thị trường và góp phần thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân; Tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường Trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng và năng suất sữa phục vụ ngành chăn nuôi bò sữa”. Triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại theo Chương trình phát triển giống bò thịt trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 (Củ Chi, Bình Chánh); Thực hiện các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo và đồng thời phát triển chương trình nuôi cá cảnh với những mô hình nuôi cá chép Koi, cá dĩa sinh sản,…

Đặc biệt, để đáp ứng kịp thời sự phát triển của nền nông nghiệp hội nhập và thực hiện Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, Khuyến nông Thành phố đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc cử các cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa học và triển khai nhiều lớp dạy nghề cho nông dân Thành phố tham gia học tập và thực hiện mô hình.

Ngoài ra, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào thắng lợi mục tiêu CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn trong thời đại công nghệ số. Khuyến nông TP.HCM thực hiện đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số vào hoạt động chuyên môn, nhằm tăng khả năng tiếp cận thông tin, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân trong thời kỳ mới. Thông qua việc nâng cấp hình thức và nội dung Trang Thông tin Điện tử khuyến nông (Website khuyennongtphcm.vn), Tờ Thông tin Khuyến nông và Thị trường, Tập san Khuyến nông, Phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM thực hiện Chương trình Phát thanh Khuyến nông, Báo Khoa học phổ thông,… để phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ KHKT trong việc sản xuất nông nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, nhằm chuyển giao đến với nông dân, giúp nông dân phát triển nhiều mô hình mới, hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, góp phần phát triển nền nông nghiệp ổn định và bền vững.

VII. KẾT QUẢ THI ĐUA ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:

Tập thể cán bộ công chức nhân viên Trung Tâm đã được khen thưởng: Tập thể Lao động xuất sắc nhiều năm liền; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2001, 2004 và 2007); 03 Cờ thi đua của Chính phủ tặng (năm 2002, 2003, 2004); 03 Cờ thi đua của Bộ Thuỷ sản tặng (năm 2000, 2003, 2004); 06 Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 01 Bằng khen kèm Giải thưởng cúp vàng về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường; 02 Giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ Nông nghiệp và PTNT (2002 – 2003), Huân chương lao động hạng III (năm 2005); Huân chương lao động Hạng II (năm 2011), 15 Bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.HCM (năm 2000, 2002, 2006-2007, 2010-2016, 2018-2019); 01 Cờ truyền thống 20 năm (1992 – 2012) và 03 Cờ thi đua của Ủy ban Nhân dân TP.HCM (năm 2006, 2008 và 2019).