Cách vỗ béo bò thịt

Vỗ béo bò thịt là biện pháp hiệu quả để nâng cao sản lượng, chất lượng thịt, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế. Thực hiện vỗ béo bò từ việc phối hợp nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh hợp lý, sẵn có, giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho bò tăng trọng cao nhất trước khi giết mổ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi. Đồng thời, đây là phương thức nhằm cải thiện chất lượng và hình thành đàn bò thịt giống chất lượng trên nền đàn bò thịt hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, gia tăng hiệu quả kinh tế và tiến tới phát triển bền vững.

Mục tiêu áp dụng các kỹ thuật trong việc vỗ béo bò nhằm chuyển đổi kỹ thuật chăn nuôi bò thịt theo kiểu truyền thống sang nuôi các giống bò chuyên dụng thịt lai ứng dụng khẩu phần ăn phối trộn hoàn chỉnh, phù hợp với các điều kiện chăn nuôi tại TP.HCM; rút ngắn thời gian nuôi, đạt tăng trọng cao nhất trong thời gian ngắn nhất nhằm nâng cao chất lượng và số lượng thịt; mô hình áp dụng chăn nuôi bò thịt theo khẩu phần TMR ( Total Mixed Ration- là khẩu phầu kết hợp giữa thức ăn thô xanh và thức ăn tinh), giúp các hộ dân tăng năng suất đàn bò, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, giảm hộ nuôi nhỏ lẻ,…

Theo đó, để vỗ béo bò thịt đạt hiệu quả cần áp dụng các phương thức sau:

Thứ nhất, phân loại bò để vỗ béo: gồm những con bò không sử dụng để vắt sữa, sinh sản, bò gầy do thiếu dinh dưỡng được phân nhóm theo tuổi, giống, giới tính, thể trạng, tầm vóc; những con bò vàng Việt Nam lai với giống bò ngoại chuyên dụng thịt (đây là mô hình để phát triển giống bò thịt ở TP HCM giai đoạn hiện tại và tương lai sau này). Hiện ở TP Hồ Chí Minh có một số giống bò ngoại sau: a) Giống Bò BBB (Blanc – Bleu – Belge)  (Nguồn gốc ở Bỉ, được lai tạo để phát triển đặc biệt vùng thịt đùi sau. Bò đực BBB trưởng thành có khối lượng 1.100 – 1.200Kg. Bò BBB có khả năng sản xuất thịt tốt, phẩm chất thịt thơm ngon, mức tăng trọng trung bình đạt 1300gram / ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70%; b) Giống Bò Red Angus hay còn gọi là bò Anh hoặc bò cọp. Bò màu đen hoặc màu đỏ, vằn vàng đỏ nhạt. Là giống có ngoại hình, thể chất chắc chắn, khỏe mạnh. Bò Tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 1000gram/ngày. Con đực trưởng thành nặng đến 1.000kg và tỷ lệ thịt xẻ trên 70% ; c) Giống bò Brahman là giống bò thịt nhiệt đới, được nuôi rộng rãi ở tất cả các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Có màu lông trắng xám, màu đỏ hoặc trắng ghi. Bò có ngoại hình thể chất chắc chắn, khoẻ mạnh, hệ cơ phát triển, u vai phát triển, tai to và cụp xuống. Bò đực có khối lượng trưởng thành đạt 600 – 850kg. Tỷ lệ thịt xẻ 52 – 58%; d) Giống bò Droughtmaster nguồn gốc từ Úc, thân hình dài, yếm tương đối phát triển, lông ngắn, màu đỏ nhạt hoặc đậm; có sừng hoặc không sừng. Bò có tính thích nghi tốt. Trọng lượng bò đực 750 – 1000kg. Tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 60%.

Hình minh họa bò thịt

Thứ hai, điều kiện cơ sở vật chất:

Về Chuồng trại: để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng, quản lý đàn bò, xây dựng chuồng nuôi bò thịt phụ thuộc vào qui mô chăn nuôi hộ gia đình hay trang trại, phương thức chăn nuôi là nuôi thả hay nuôi nhốt,… Khi xây dựng nên chú ý xây dựng ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hướng chuồng xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích chuồng nuôi bình quân 3 – 5 m2/ con. Tuỳ theo qui mô đàn, có thể xây dựng 01 dãy hoặc 02 dãy chuồng. Nền chuồng phải làm chắc, không láng trơn, có độ dốc 2 – 3% về phía rãnh thoát. Cần trang bị máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, kích thước máng ăn 60 cm x 120 cm, cao phía sau 80 cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo. Kích thước máng uống dài x rộng x sâu là 60 cm x 60 cm x 40 cm. Rãnh thoát nước thải thiết kế phía sau rộng 30 cm, sâu 30 cm, độ dốc 5-8%. Ngoài ra cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1 – 1,5m, hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè,…

Vệ sinh thú y (gồm tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại), cụ thể là vệ sinh phòng bệnh: thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải. Tích cực diệt chuột, dán, ve, ruồi muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò. Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh. Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có dấu hiệu biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay, định kỳ tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, nhất là bò trước khi vỗ béo. Đồng thời tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ các loại bệnh bắt buộc cho bò 2 lần/năm như: bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng,… Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.

Thức Ăn: thức ăn dùng vỗ béo bò có nhiều loại (thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin), căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có để lựa chọn các nguyên liệu chính như sau: Thức ăn thô xanh: các loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa, vỏ hoa quả) chiếm 55 – 60% vật chất khô trong khẩu phầ; Thức ăn tinh: các loại hạt ngũ cốc, họ Đậu, cám (cám gạo, cám mỳ…), các loại khô dầu, thức ăn cám hỗn hợp,… chiếm 40 – 45% vật chất khô trong khẩu phần.

Cách cho ăn và phương thức cho ăn: trong điều kiện chăn nuôi gia đình có 02 cách vỗ béo thích hợp

Vỗ béo bằng chăn thả: chăn thả bò trên bãi chăn 8-10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công phu cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng bãi chăn thả rộng và năng suất cỏ tươi tương đối khá, bảo đảm cho bò mỗi ngày thu lượm được 20-25kg cỏ tươi.

Vỗ béo bằng hình thức bán chăn thả: áp dụng cho những nơi ít bãi chăn (như vùng đồng bằng, vùng ven đô, khu công nghiệp). Bò chỉ tận dụng được một phần hoặc một nửa khẩu phần thức ăn trên bãi chăn. Phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó phải lưu ý đến thức ăn tinh.

Về nhu cầu thức ăn và năng lượng vỗ béo bò: để bò có tốc độ lớn nhanh, đòi hỏi lượng thức ăn hàng ngày phải đảm bảo năng lượng cao và đáp ứng 2,5% trọng lượng cơ thể.  Ví dụ, bò nặng 200 kg cần khoảng 05 kg vật chất khô trong một ngày, còn thức ăn thô xơ khoảng 15 – 20 kg. Khẩu phần hoàn chỉnh là đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò. Bò có thể tự do lựa chọn sau khi đã trộn lẫn hoàn toàn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau. Phương pháp cho ăn và tập cho bò ăn thức ăn tinh vô cùng quan trọng. Lúc đầu nên cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao. Nếu ngay từ đầu bò ăn nhiều thức ăn tinh có thể bị chết do ngộ độc axít (acidosis). Thức ăn thô xanh cần sử dựng kết hợp với thức ăn tinh để tạo ra một khẩu phần ăn hoàn chỉnh.

Khi cho bò ăn theo khẩu phần vỗ béo, chúng ta phải tập dần để bò quen với thức ăn mới, sau đó tiến hành cho ăn thúc. Vỗ béo bằng phương thức nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo yêu cầu. Chuồng nuôi đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, bò đi lại tự do trong chuồng. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Áp dụng khẩu phần chăn nuôi làm phần thức ăn hoàn chỉnh giảm chi phí đầu tư và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, thời gian vỗ béo: thời gian vỗ béo từ 50 – 90 ngày (dự kiến tăng trọng > 700g/con/ngày). Nếu vỗ béo kéo dài trên 90 ngày thì khả năng tăng trọng sẽ giảm, tiêu tốn thức ăn cao và hiệu quả thấp.

Thứ tư, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò vỗ béo: vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy cao độ khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.Bò thịt lai giống ngoại nên chọn thời gian 15-18 tháng tuổi và trọng lượng khoảng 400- 450 kg / con để vỗ béo thì có hiệu quả nhất, thời gian vỗ béo từ 4-5 tháng, trọng lượng xuất chuồng bình quân khoảng 550-650 kg/con.Hiệu quả nuôi phụ thuộc vào các yếu tố chính sau: giá trị bò mua vào để vỗ béo: lợi nhuận càng cao khi giá mua vào càng thấp, trong điều kiện vỗ béo những bò đã trưởng thành thì giá mua vào phải thấp hơn giá bán tại thị trường; giá bán ra sau khi vỗ béo: giá bán cao, lãi suất cao; chi phí thức ăn: tận dụng các loại phụ phẩm, tăng cường chế biến thức ăn để nâng cao tỷ lệ sử dụng, tỷ lệ tiêu hoá, giảm lãng phí để hạ thấp giá thành; sử dụng giống bò thịt lai chuyên dụng, tinh giống được nhập khẩu và công nhận đủ phẩm chất.

KS. Hồ Sĩ Bửu – Trạm Khuyến nông Củ Chi