TP.HCM: ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
28/11/2024Phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), an ninh lương thực, đảm bảo về dinh dưỡng cho người sử dụng cũng như thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp xanh,… là quan điểm chiến lược để phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Nội dung trên được thể hiện tại Quyết định 4700/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2050, ngành chế biến lương thực thực phẩm Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành với các tiêu chí an toàn thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn xanh, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững; áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, chuyển từ chế biến thô sang chế biến sâu, chế biến tinh tạo giá trị gia tăng cao.
Chiến lược cũng hướng đến việc đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng sự thay đổi thường xuyên trong hành vi tiêu dùng của khách hàng, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; liên kết vùng nguyên liệu, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến lương thực thực phẩm.
Cùng với những mục tiêu trên, chiến lược tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành chế biến lương thực thực phẩm của Thành phố để phát huy lợi thế, hình thành liên kết vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu dùng; đồng thời, lan tỏa kết quả đổi mới về sản phẩm và công nghệ; phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm phù hợp với các chiến lược phát triển ngành, quy hoạch xây dựng vùng và các chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan.
Cụ thể, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành được duy trì ở mức 6,5 – 7,5%/năm. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành chế biến lương thực thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 13 – 14%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 30%. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân: 5,5 – 6,0%/năm.
Đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành được duy trì ở mức 7,5 – 8,5%/năm. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành chế biến lương thực thực phẩm trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 13,5 – 14,5%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân 6 – 6,5%/năm.
Các giải pháp thực hiện chiến lược bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển khoa học công nghệ; Hỗ trợ và thu hút đầu tư; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm; Bảo vệ thị trường; Cơ chế, chính sách; Huy động nguồn lực; Giải pháp cụ thể đối với các sản phẩm (trong đó nêu rõ nhóm sản phẩm định hướng ưu tiên phát triển; Sản phẩm duy trì; Sản phẩm cần liên kết phát triển với các tỉnh).
Để thực hiện các mục tiêu và giải pháp trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM là đơn vị chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đầu vào của ngành chế biến lương thực thực phẩm; phối hợp với các đơn vị liên quan hình thành vùng nguyên liệu của ngành chế biến lương thực thực phẩm.
(Chi tiết đính kèm Quyết định 4700/QĐ-UBND ngày 23/10/2024 của UBND TP.HCM về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050)
M.Hiếu