TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI CÂY TRỒNG TỪ NGÀY 21/02/2024 – 27/02/2024

 

I. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong kỳ

  1. Cây lúa vụ Đông xuân 2023 – 2024:

–  Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa là 1.191,4 ha, giảm 81,3 ha so với tuần trước. Diện tích nhiễm tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn. Các sinh vật hại trên lúa hiện nay chủ yếu gồm có: Sâu cuốn lá, bọ xít hôi, ốc bươu vàng, chuột và bệnh đạo ôn, bệnh đốm vằn. Các sinh vật hại đều ở mức nhiễm nhẹ.

2. Cây rau

– Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên cây rau vụ Đông xuân 2023 – 2024 trong tuần qua 626,5 ha, tăng 13,4 ha so với tuần trước. Trong đó diện tích phòng trừ là 389,3 lượt ha, chiếm 62,1% diện tích nhiễm sinh vật hại. Các sinh vật hại chủ yếu là sâu ăn tạp, sâu xanh, dòi đục lá, bọ nhảy, rầy xám, ốc bươu vàng, bệnh rỉ trắng, bệnh thối nhũn. Các sinh vật hại đều có mật số và tỉ lệ bệnh ở mức nhẹ.

Triệu chứng dòi đục lá trên cải bẹ xanh – Nguồn internet

  1. Cây trồng khác

– Cây bắp: Chưa ghi nhận diện tích bị sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) gây hại trên cây bắp.

– Cây khoai mì: Chưa ghi nhận diện tích trồng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

– Cây dừa: Chưa ghi nhận diện tích bị sâu đầu đen (Opisina arenosella) gây hại trên cây dừa.

II. Dự báo sinh vật gây hại chủ yếu trong kỳ tới

1. Cây lúa

– Rầy nâu: Rầy nâu ngoài đồng phổ biến ở giai đoạn tuổi 5 – trưởng thành với mật số thấp. Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát diễn biến của rầy trên đồng để có biện pháp quản lý hiệu quả đối tượng này.

– Thời tiết còn se lạnh vào đêm và sáng sớm có sương mù nhẹ là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh trên lúa phát triển. Chú ý bệnh đạo ôn lá trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ; đạo ôn cổ bông trên lúa giai đoạn trổ – chín. Khuyến cáo chủ động phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông bằng các thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Phun vào thời điểm lúa bắt đầu trổ và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ đều để bảo vệ năng suất, phẩm chất lúa khi thu hoạch.

– Chú ý chuột gây hại trên lúa giai đoạn đòng trổ- chín. Áp dụng các biện pháp diệt chuột mang tính cộng đồng, triển khai trên diện rộng để đạt hiệu quả cao.

– Các đối tượng khác xuất hiện gây hại với tỷ lệ và mật số không cao.

2. Cây rau

– Rau ăn lá: Cần chú ý các loài sâu hại phổ biến như bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rầy xám, bọ trĩ. Ngoài ra cần chú ý phòng trị một số bệnh như bệnh gỉ trắng trên cây rau muống, bệnh đốm lá, vàng lá.

– Rau ăn quả: Lưu ý các sinh vật hại phổ biến như sâu ăn tạp, sâu xanh, ruồi đục trái, rầy mềm, đốm lá, vàng lá.

3. Cây trồng khác

– Cây bắp: cần lưu ý sâu keo mùa thu ở giai đoạn 5 lá – xoáy nõn – trỗ cờ.

– Cây dừa: lưu ý các đối tượng như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu đầu đen.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến bệnh rụng lá đốm tròn trên cây cao su; bệnh Greening, và sâu đục trái trên cây có múi; Sâu đục thân, rệp sáp, rầy đầu vàng trên các ruộng mía giai đoạn đẻ nhánh tích cực và vươn lóng.

M.Nam

(Tổng hợp – Nguồn CCTT&BVTV)