Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” tại tỉnh Lâm Đồng

     Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chuyên đề “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tham dự gồm có đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh; Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng; ông Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cùng chủ trì diễn đàn.

    Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2021, thế giới có hơn 71 triệu ha canh tác nông nghiệp hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Úc và Liên minh Châu Âu có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh và đến nay trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Ở Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ hàng nghìn năm nay và hình thức canh tác này cũng rất được chú trọng. Năm 2018, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 4,1 lần so với năm 2016 và đạt khoảng 495.000 ha. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với 71 triệu ha canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn rất lớn khi mà nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam và các nước ngày càng tăng lên. Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ liên kết là chìa khóa giúp phát triển nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm tăng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước về kinh tế và phát triển bền vững. Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức như chính sách ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn chưa hoàn thiện và đồng bộ; danh mục đầu vào chưa được ban hành, dẫn đến mối liên kết trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo, nhất là ở khâu cung ứng vật tư; phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ còn cao, người nông dân còn mang nặng tư duy sản xuất theo lối cũ, vẫn chú trọng về sản lượng chưa chú ý nhiều đến chất lượng,…

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình bày tham luận “Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”

    Tại diễn đàn, PGS.TS Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, nông nghiệp hữu cơ cũng có quá trình sản xuất tương tự như sản xuất thông thường. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ có quy định riêng về cung cấp vật tư đầu vào như không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ hóa học, thức ăn chăn nuôi có chất tăng trưởng, chất kích thích sinh trưởng, vacxin và thuốc chữa bệnh hóa học và giống biến đổi gen,…. Đồng thời, trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các quy định về chọn vùng sản xuất, tiêu chuẩn đất và nước, mật độ trồng trọt, chăn thả, chăm sóc vật nuôi, cây trồng, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch để đảm bảo tính “toàn vẹn hữu cơ” của sản phẩm tạo ra.

    “Sản xuất nông nghiệp nói chung và nông nghiệp hữu cơ nói riêng được liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng.

    Liên kết nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và cả rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Liên kết thường được phân chia thành liên kết dọc và liên kết ngang.”, PGS.TS Đào Thanh Vân chia sẻ.

     Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận như Liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia); Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam (Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường); Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững (GS.TS Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam); Phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng (Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng);…; và đã tập trung trao đổi các nhóm giải pháp về chính sách ưu đãi; Xây dựng, quản lý các tổ chức chứng nhận sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; Liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền cho phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng đã nhận được 11 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về thể chế chính sách; Về nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ; về quy hoạch và phát triển kho dữ liệu dùng chung; Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Về huy động nguồn lực, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân.

     Phát biểu tổng kết, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết “Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại diễn đàn đã giúp cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhìn nhận rõ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và đề ra những định hướng, chiến lược trong thời gian tới. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT những chủ trương, chính sách thiết thực giúp cho việc liên kết theo chuỗi nông nghiệp hữu cơ các tỉnh, địa phương phát triển bền vững trong thời gian tới.

Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được trưng bày tại diễn đàn

 

Trúc Minh