Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội thảo Khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024 tại Lâm Đồng

 

    Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Khuyến nông đô thị lần 1 năm 2024 với chủ đề: “Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” thu hút trên 200 đại biểu đến từ 28 tỉnh thành (thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị) đã và đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cả nước.

    Ông Lê Minh Lịnh – Phó Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng; ông Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và bà Vũ Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị đồng chủ trì Hội thảo. Ngoài ra, Hội thảo cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng .

    Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vượt bậc cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có hơn 65.308 ha, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đã hình thành, công nhận 08 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 18 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Lâm về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025”. Kết quả trước năm 2020 toàn tỉnh chỉ có 27 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhưng đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt trên 25.000 ha. Về ứng dụng công nghệ 4.0, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26 doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp), công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, công nghệ đèn LED; 13 doanh nghiệp được công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”; 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; hình thành 182 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm; hoa cao cấp 24 tỷ đồng/ha/năm”.

    Hội thảo cũng được nghe ông Đỗ Minh Phương – Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) giới thiệu những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp đô thị trên thế giới và Việt Nam; gồm các ứng dụng trong phân tích dữ liệu đất, theo dõi và dự báo thời tiết, sử dụng robot nông nghiệp, AI trong điều khiển tự động, dự báo sản lượng và tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Các sản phẩm nông nghiệp tham gia được cập nhật dữ liệu trên điện toán đám mây gắn liền với truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất – chế biến – bảo quản – vận chuyển – tiêu thụ trở thành một chuỗi liên kết và minh bạch về thông tin sản phẩm.

    Tại TP.Hồ Chí Minh việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được Ủy ban nhân dân Thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 601/KH-UBND ngày 28/02/2022 về triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố. Hiện tại diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ đạt 6,81 ha, chiếm tỉ lệ 0,03% diện tích trồng trọt toàn Thành phố (21.750 ha), sản lượng 400 – 500 tấn/năm, chủng loại bao gồm: rau, củ, quả và hiện có 06 đơn vị được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố vẫn còn rất nhỏ, tuy nhiên Thành phố tập trung vào nội dung hỗ trợ liên kết và kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thời gian tới, Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, thụ hưởng các chính sách về: Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Tập trung nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường công tác hỗ trợ liên kết, kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ.

    Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân tham dự đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và giải đáp những nội dung về phát triển nông nghiệp hữu cơ như việc ứng dụng công nghệ thông tin, định vị, ứng dụng phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cảm biến IOT, chứng nhận liên quan trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ của trang trại, hợp tác xã, tập huấn đào tạo liên quan đến công nghệ số.

    Theo ông Đào Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc sản xuất tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần phải thực hiện theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn để sản phẩm đạt chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ cần phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật của quốc gia hoặc tiêu chuẩn hữu cơ cao hơn như của EU; USA…  Để cho một đơn vị sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ thì một trong những vấn đề quan trọng là cần có giai đoạn chuyển đổi hữu cơ được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, thời gian chuyển đổi tùy thuộc theo từng loại sản phẩm và cây trồng đặc trưng. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phải được sản xuất trong vùng không có yếu tố ô nhiễm. Ông cũng ví dụ như quy trình sản xuất hữu cơ trong trồng trọt như: không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng kích thích sinh trưởng, không sử dụng phế thải từ người, không được sử dụng giống biến đổi gen. Quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển luôn được ghi chép để dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Hiện nay ở nước ta đã có nhiều đơn vị thành công trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

    Đại diện Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết sẽ sẵn sàng hợp tác với hệ thống Khuyến nông Việt Nam tham gia trong các chương trình tập huấn đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn để hướng dẫn các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân ứng dụng chuyển đổi số trong việc sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

    Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức cũng đã tổ chức cho các đại biểu tham quan và học tập mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam  – Chi nhánh 2 tại tỉnh Lâm Đồng (C.P Green). Tại đây các đại biểu được nghe giới thiệu quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được thưởng thức sản phẩm hữu cơ của công ty.

Các đại biểu tham quan và học tập mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P Green) tại Lâm Đồng

 

Trúc Minh