Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục đổi mới hoạt động khuyến nông đa phương thức, đa giá trị theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

 

     Ngày 04/01/2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Qua báo cáo và ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong năm 2023 đã luôn bám sát, triển khai nhiệm vụ đồng bộ trên nhiều hoạt động, đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiêu biểu như: tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở thông qua mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; các chương trình, dự án khuyến nông đã tập trung vào những định hướng lớn của Bộ ngay từ đầu năm như kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP; tham gia tích cực và hiệu quả các sự kiện lớn của Bộ, ngành như: Fesival quốc tế ngành hàng lúa gạo – Hậu Giang 2023; Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Đồng thời, khuyến nông trung ương đã làm tốt vai trò định hướng hoạt động khuyến nông địa phương, giúp lan toả những chủ trương, định hướng phát triển của ngành tới bà con nông dân ở các vùng miền trong cả nước.

     Không dừng lại ở đó, để tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn nữa trong năm 2024, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần nhìn nhận thời cơ, thách thức và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

     Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2024,ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, các rào cản mới về: bảo vệ động vật hoang dã, tín chỉ carbon, chống phá rừng,… Đồng thời, đây cũng là năm triển khai tiêu chuẩn, quy chuẩn, mã số vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, đòi hỏi công tác khuyến nông càng cần phải được đẩy mạnh toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục đổi mới tư duy, không hài lòng với những gì đã có, sẵn sàng tiếp cận với thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Sản xuất nông nghiệp luôn vận động, phát triển thì khuyến nông cũng phải không ngừng vận động, phát triển và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

     Tiếp tục đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cần hướng dẫn nông dân kiến thức về kinh tế, thị trường, triển khai các dự án, đào tạo huấn luyện, truyền thông,… Hướng dẫn nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển ngành nghề nông thôn để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, định hướng ở những mô hình mới. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp, là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp ở cơ sở;

     Hoàn thiện Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trên cơ sở đó, đề xuất trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông cho phù hợp với tình hình mới;

     Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, mở rộng phạm vi, chức năng hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương sau 02 năm triển khai thí điểm, chỉ rõ những điểm làm được và chưa làm được để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt, phối hợp với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị ngay lực lượng khuyến nông có đủ năng lực tư vấn, giám sát, hướng dẫn đo đạc để đồng hành cùng nông dân thực hiện Đề án 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao;

     Đề án 01 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao: theo nhiệm vụ được phân công, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hợp phần truyền thông và khuyến nông cộng đồng phục vụ đề án. Đồng thời, phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT triển khai các hoạt động đào tạo tăng cường năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên nghiệp;

     Phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chuỗi an toàn thực phẩm có sự tham gia của lực lượng khuyến nông, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn từ “gốc” như nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm OCOP, tín dụng,…;

     Phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương hướng dẫn các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới;

     Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu khuyến nông, nghiên cứu xây dựng Đề án khuyến nông điện tử;

     Phối hợp với các doanh nghiệp đưa cán bộ khuyến nông đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài để nâng cao năng lực, trình độ cũng như kỹ năng quản lý tiên tiến;

     Khuyến nông địa phương cần bám sát các chủ trương, định hướng phát triển của Bộ, ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ, thúc đẩy công tác khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị.

(Chi tiết đính kèm Thông báo (thong-bao) số 884/TB-BNN-VP ngày 31/01/2024 của Bộ NN-PTNT về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Hội nghị tổng kết công tác Khuyến nông năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia)

 

M.Hiếu