Tình hình sinh vật gây hại cây trồng từ ngày 01/9/2024 – 30/9/2024
09/10/2024
I. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong kỳ
- Cây lúa
– Vụ Hè thu năm 2024: Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa trong tháng là 299,6 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (6,5 ha). Do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn nên một số khu vực sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời (khu vực Bình Chánh) xuống giống trễ hơn so với cùng kỳ, nên trong tháng 9 diện tích lúa ở giai đoạn trổ – chín trên đồng ruộng còn nhiều dẫn đến tình hình sinh vật hại cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích nhiễm tập trung tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Các sinh vật gây hại chủ yếu gồm ốc bươu vàng, chuột và bệnh đạo ôn, bệnh lem lép hạt. Các sinh vật hại đều ở mức nhiễm nhẹ.
– Vụ Mùa năm 2024: Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa trong tháng là 703,3 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (774,6 ha). Diện tích nhiễm tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn. Các sinh vật gây hại chủ yếu gồm bọ trĩ, sâu phao, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng và chuột. Các sinh vật hại đều ở mức nhiễm nhẹ.
– Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa là 5.750,8 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5.969,4 ha). Diện tích nhiễm tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Các sinh vật gây hại chủ yếu gồm bọ trĩ, sâu phao, sâu cuốn lá, ốc bươu vàng, chuột và bệnh đạo ôn, bệnh đốm lá. Các sinh vật hại đều ở mức nhiễm nhẹ.
- Cây rau
– Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên rau trong tháng là 549,9 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (570,1 ha), trong đó diện tích phòng trừ là 1.549,3 lượt ha. Các sinh vật hại chủ yếu là sâu ăn tạp, sâu xanh, bọ nhảy, rầy xám và bệnh rỉ trắng. Các sinh vật hại đều có mật số và tỉ lệ bệnh ở mức nhẹ.
– Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên rau là 4.232,0 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (5.585,5 ha), trong đó diện tích phòng trừ là 9.812,5 lượt ha. Các sinh vật hại chủ yếu là sâu ăn tạp, dòi đục lá, sâu tơ, bọ nhảy, rầy xám, bệnh rỉ trắng, bệnh thối nhũn, vàng lá và ốc bươu vàng. Các sinh vật hại đều có mật số và tỉ lệ bệnh ở mức nhẹ.
- Cây hoa kiểng
– Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trong tháng là 37,1 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (35,7 ha). Diện tích phòng trừ sinh vật hại trên hoa lan, cây kiểng là 32,6 lượt ha chiếm 87,8% diện tích nhiễm sinh vật hại. Các sinh vật hại phổ biến trên hoa lan là muỗi đục nụ, nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh đốm lá…; trên cây hoa mai là nhện đỏ, bọ trĩ, sâu ăn lá, sâu đục thân, bệnh cháy lá, … Các sinh vật hại đều có mật số và tỉ lệ bệnh ở mức nhẹ.
– Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên cây hoa kiểng là 320,4 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (292,2 ha), diện tích phòng trừ từ đầu năm đến nay là 297,8 lượt ha, chiếm 92,9% diện tích nhiễm sinh vật hại.
- Cây trồng khác
Chưa ghi nhận diện tích bị sâu đầu đen (Opisina arenosella) gây hại trên cây dừa.
Ghi nhận sâu róm xuất hiện trên cây Mắm tại Rừng Phòng hộ huyện Cần Giờ và sâu ăn lá gây hại trên cây Dầu tại Sư đoàn 9 huyện Củ Chi.
II. Dự báo sinh vật gây hại chủ yếu trong kỳ tới
- Cây lúa
– Thường xuyên theo dõi mật số rầy trên đồng ruộng và mật số rầy vào đèn để chủ động trong công tác phòng trừ rầy nâu trên lúa. Khuyến cáo nông dân thăm đồng, khi thấy rầy tuổi 2 – 3 xuất hiện với mật số cao (>3 con/tép), có thể sử dụng một trong các thuốc bảo vệ thực vật chống lột xác nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phun trừ. Không nên phun phòng rầy, đặc biệt đối với các trà lúa <40 ngày sau sạ để bảo vệ nguồn thiên địch sẵn có trên đồng và tránh dịch hại bùng phát vào giai đoạn sau.
– Khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý. Trên các ruộng trồng giống nhiễm, gieo sạ dày, bón thừa phân đạm ở giai đoạn đón đòng, ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá ở giai đoạn trước trổ cần chủ động phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông vào thời điểm lúa bắt đầu trổ lác đác và phun lại lần 2 khi lúa đã trổ đều để bảo vệ năng suất phẩm chất lúa khi thu hoạch.
– Thời tiết hiện nay vẫn còn có mưa sẽ là điều kiện thuận lợi cho ốc bươu vàng di chuyển theo nguồn nước vào ruộng gây hại. Cần chủ động áp dụng các biện pháp quản lý ốc như: sử dụng lưới, phên tre, … để chắn khi tháo nước vào ruộng, cắm các cọc gỗ, cành cây, … ở mương nước đầu ruộng nhằm thu hút ốc bươu vàng đến đẻ trứng và dễ dàng thu gom, tiêu huỷ.
– Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát diễn biến của sâu hại trên đồng, cần lưu ý đến sâu phao, bọ trĩ ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh.
- Cây rau
Cần chú ý các loài sâu hại phổ biến như bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rầy xám, bọ trĩ trên rau ăn lá. Ngoài ra cần chú ý phòng trị một số bệnh như bệnh gỉ trắng trên cây rau muống, bệnh đốm lá, vàng lá
Lưu ý các sinh vật hại phổ biến như sâu ăn tạp, sâu xanh, ruồi đục trái, rầy mềm, đốm lá, vàng lá trên rau ăn quả
- Cây hoa kiểng
Cần lưu ý một số bệnh hại thường phát sinh gây hại như bệnh khô đầu lá, thối nhũn, đốm lá, một số côn trùng gây hại như nhện đỏ, muỗi đục nụ…trên cây hoa lan và cần lưu ý phòng trị sâu ăn lá, rầy xanh, bọ trĩ, bệnh cháy lá trên cây hoa mai.
- Các loại cây trồng khác
Cần lưu ý các đối tượng như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu đầu đen trên cây dừa.
Theo dõi tình hình sâu róm gây hại trên cây Mắm và sâu ăn lá gây hại trên cây Dầu.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến bệnh rụng lá đốm tròn trên cây cao su; bệnh Greening, và sâu đục trái trên cây có múi; Sâu đục thân, rệp sáp, rầy đầu vàng trên các ruộng mía giai đoạn đẻ nhánh tích cực và vươn lóng.
M.Nam
Tổng hợp – Nguồn CCTT và BVTV