Làng mai Bình Lợi – Bình Chánh, nhạy bén với nhu cầu thị trường

Xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh là xã thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp là đất phèn, nguồn nước tưới chủ yếu là sông rạch tự chảy theo thủy triều, người dân ở đây trước giờ đa số là trồng mía. Những năm gần đây, do trồng mía cho thu nhập thấp và giá cả bấp bênh, chủ trương của thành phố là khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị kinh tế. Từ chủ trương này, nhiều năm nay nông dân ở xã đã bỏ cây mía, chuyển dần sang trồng mai vàng và đang từng bước tạo nên thương hiệu làng mai Bình Lợi – Bình Chánh. Thương hiệu này không chỉ được tạo nên bởi những hộ trồng mai với diện tích lớn, hiện còn được nhiều người dân chơi mai ở Thành phố và các tỉnh thành lân cận biết đến mai Bình Lợi từ sự nhạy bén nắm bắt thị trường và tập trung sản xuất giống mai “đặc trưng” của những hộ dân ở đây.


Chia sẻ về điều này ông Trương Thái Ngọc – Chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, Bình Lợi là xã có hơn 1.500ha đất nông nghiệp, trong đó có 249ha/147 hộ trồng mai vàng, thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Những năm qua, cây mai đã đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nông dân Bình Lợi. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã bán được khoảng 70ha mai thành phẩm, thu nhập trên 100tỷ đồng/năm/toàn xã. Không dừng lại ở đó, hiện xã đang có chủ trương kêu gọi nông dân tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng không hiệu quả sang trồng mai vàng. Bởi đây là nguồn thu chính của nhiều nông dân quanh vùng, tạo động lực phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng vững mạnh hơn.
Giống mai Bình Lợi – Bình Chánh là loại giống mai có hoa to, nhiều cánh và được trồng trên đất, nên ít tốn công chăm sóc, cây phát triển nhanh. Bởi vậy, nên giống mai Bình Lợi phát triển rất nhanh, cho hoa nhiều, cánh nhiều và tàng to,… đây cũng là đặc điểm chính mà các hộ trồng mai ở đây lấy đó là một tiêu chí để sản xuất.
Anh Trần Tứ Vương – Chủ nhiệm CLB hoa mai Bình Lợi – Bình Chánh – hộ đi đầu trong việc sản xuất và cung cấp giống mai đặc trưng của vùng này cho biết, hiện vườn mai nhà anh có 10 ha diện tích, nhưng không dừng lại ở đó, thời gian đến anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mai, bởi “Tôi thấy tương lai kinh tế từ cây mai sáng sủa lắm nên sẽ dốc vốn làm thêm” – anh nói. Ngoài anh Vương, còn có những hộ là thành viên của CLB hoa mai Bình Lợi – Bình Chánh, họ đang và sẽ tiếp tục nâng cấp chất lượng và số lượng vườn mai của mình chủ động đủ giống cung cấp cho thị trường, như hộ của anh Dương Đức Xuyên – Phó Chủ nhiệm CLB, anh Nguyễn Phúc Vinh – thành viên CLB hay anh Lê Quang Minh – thành viên CLB…


Để hỗ trợ việc trồng mai ngày đạt chất lượng về kỹ thuật, giống và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, cuối năm 2017 Khuyến nông Tp.HCM đã hỗ trợ cho nông dân trồng mai Bình Lợi – Bình Chánh mô hình cơ giới hóa máy phun thuốc trên cây mai, theo đó đã có 27 hộ nông dân trồng mai được hỗ trợ máy. Sau khi nhận máy và sử dụng, nhiều hộ ghi nhận mô hình Khuyến nông hỗ trợ máy phun thuốc cho việc trồng mai, đã giúp bà con nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí về thời gian, công lao động, lượng thuốc BVTV sử dụng và chi phí trong quá trình sản xuất rất nhiều.
Phát biểu về điều đó và sản phẩm mai Bình Lơi, ông Võ Ngọc Đẹp – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM cho biết: “Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa cho cây mai như: sử dụng màng che mưa, hệ thống tưới, máy gieo hạt,… CLB nên có kế hoạch cụ thể để Khuyến nông hỗ trợ. Ngoài ra, CLB cần chú ý nâng giá trị cây mai như: tạo dáng mai, đa dạng, phù hợp nhu cầu thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu mai Bình Lợi – Bình Chánh. Đồng thời, CLB nên duy trì chọn lọc giống mai chất lượng tiến tới tổ chức các Hội hoa xuân mai vàng Bình Lợi để giới thiệu về giống mai đặc trưng của địa phương. Đây là mô hình chuyển đổi cây trồng gắn liền với xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả, giúp người trồng mai có đời sống khá hơn, tạo cho địa phương có sự phát triển, từ đó tác động đến nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp thành phố nói chung và cây mai vàng của địa phương nói riêng ngày càng có lợi nhuận cao”.

M. Hiếu