TP.HCM: tổ chức diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến nền sinh thái và nền nông nghiệp toàn cầu, trong đó có nền nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là xu hướng tất yếu; bởi đây là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái và sức khỏe con người; tạo ra sản phẩm nông sản tốt, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất.

Với ưu điểm đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) giao Báo Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm NNHC và các sản phẩm chế biến” diễn ra ngày 28/9/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Diễn đàn là một trong những hoạt động nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về NNHC và triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030. Tham gia Diễn đàn có gần 200 đại biểu trực tiếp đến từ Bộ NN-PTNT, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực NNHC, chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh những đại biểu tham dự trực tiếp, Diễn đàn còn có sự tham gia trực tuyến của các đại biểu tại hơn 200 điểm cầu, để cùng trao đổi về tình hình kết nối, tiêu thụ sản phẩm NNHC và các sản phẩm chế biến.

Theo đó, tại Diễn đàn các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến NNHC, trong đó có quan điểm như: cần hiểu đúng sản phẩm NNHC và cần xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng.

Quang cảnh Diễn đàn

Thứ nhất, cần hiểu đúng về sản phẩm NNHC

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, thời gian qua Hội đã khảo sát và cho thấy, hiện người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%); như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỉ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng. Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa hữu cơ, do đó cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phát

Thứ hai, cần xây dựng “lòng tin” đối với người tiêu dùng

Theo Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho biết: doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ về thực phẩm và đồ uống hữu cơ trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỉ USD vào năm 2020; thị trường sản phẩm hữu cơ tăng mạnh lên 188 tỉ USD vào năm 2021 tập trung ở các quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan,…; các sản phẩm của thị trường này chủ yếu là rau quả hữu cơ (trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị là chiếm tỉ lệ chính). Theo ông Tiến, hiện nay nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19 người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững. Để xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, điều này cần cả quá trình với sự nỗ lực từ nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: “Niềm tin này được vun đắp bằng các sản phẩm đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; các hoạt động kết nối giữa người tiêu dùng, người sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương,… để chứng minh chất lượng sản phẩm nông sản hữu cơ”.

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Dù NNHC hiện còn rất nhiều khó khăn nhưng không thể nói quá khó để không có lòng tin, vì chính cái khó đó sẽ tạo ra giá trị cho NNHC Việt Nam. NNHC còn tồn tại 3 vấn đề lớn: thứ nhất, phải cùng nhận thức lại các mặt sản xuất và tiêu dùng, đây là vấn đề rất quan trọng; thứ hai, phải tôn vinh những người làm tốt và mạnh mẽ lên án những người làm xấu và thứ ba là giá trị nông sản hữu cơ; thứ ba, đầu vào và đầu ra sản phẩm hữu cơ phải minh bạch. Hệ thống phân phối sản phẩm NNHC, đặc biệt thị trường trong nước phải được khơi thông, phải truy xuất được nguồn gốc, minh bạch hóa và số hóa. Xu hướng tiêu dùng thế giới đang thay đổi rất nhiều và chúng ta phải luôn chủ động đón nhận. Các doanh nghiệp hãy lựa chọn sản phẩm có giá trị cao, như gia vị, cà phê,… là những lợi thế của Việt Nam để phát triển. Trách nhiệm này thuộc về các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và điều cuối cùng tôi rất mong muốn đó là hãy cùng nhau “xây dựng hệ sinh thái NNHC”.

Với thông điệp “Thức tỉnh – Kết nối – Lan tỏa”, Diễn đàn được kỳ vọng là dịp để các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ để có hướng giải pháp đúng đắn cho ngành nông nghiệp sạch trong tương lai.

Theo Bộ NN-PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích NNHC Việt Nam đã đạt trên 174 nghìn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất NNHC lớn nhất Châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 61 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 nghìn ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12 nghìn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17 nghìn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu NNHC,…

M.Hiếu