Khuyến nông Thành phố: hỗ trợ nông dân sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau ăn quả theo quy trình VietGAP

           

     Nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng; qua đó, phát triển kinh tế và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kinh tế bền vững,… Trung tâm Khuyến nông Thành phố đã hỗ trợ nông dân thực hiện 02 mô hình trồng rau ăn quả (dưa leo và khổ qua) theo quy trình GAP tại xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi. Sau 05 tháng triển khai mô hình, từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024 (Khuyến nông Thành phố hỗ trợ 50% giống, phân bón, vật tư,… còn lại  nông dân đối ứng 50%) Khuyến nông  tổ chức tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện mô hình, nhằm ghi nhận ý kiến góp ý, phản hồi của nông dân về nhu cầu giống, thiết bị cơ giới hóa, hỗ trợ mô hình trong thời gian tới,…

     Tuy trong quá trình thực hiện mô hình thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến quá trình canh tác, nhưng cán bộ kỹ thuật đã theo dõi sâu sát, hướng dẫn các hộ áp dụng phương pháp gieo ươm cây con, hạn chế tỷ lệ hao hụt so với phương pháp gieo hạt trực tiếp ngoài ruộng; phương pháp này giúp tăng hiệu quả kinh tế do giảm lượng hạt giống, tạo cây con khỏe mạnh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động; đồng thời, các hộ đều thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP, lập hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP và đạt đầy đủ chứng nhận VietGAP.

Quang cảnh buổi báo cáo tổng kết và nông dân chụp hình lưu niệm tại điểm thực hiện mô hình

     Kết quả, với mô hình trồng Dưa leo theo quy trình VietGAP có quy mô 03 ha/06 hộ tham gia, tỷ lệ nảy mầm đạt trung bình 95%, tỷ lệ sống đạt 92%, tốc độ tăng trưởng và khả năng thích nghi tốt, năng suất đạt 25 tấn/ha/vụ; với giá bán 9.000 đồng theo ký kết hợp đồng với các Hợp tác xã trên địa bàn, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt hơn 115 triệu đồng/ha/vụ; Với mô hình trồng Khổ qua theo quy trình VietGAP có quy mô 03 ha/05 hộ tham gia, tỷ lệ nảy mầm đạt 95,6%, tỷ lệ sống đạt 97%, tốc độ tăng trưởng và khả năng thích nghi tốt, năng suất đạt 24,3 tấn/ha/vụ; với giá bán 8.000 đồng theo ký kết hợp đồng với các Hợp tác xã trên địa bàn, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt hơn 105 triệu đồng/ha/vụ/.

     Chị Võ Thị Bé (Tổ 4, Ấp Trung Bình, xã Trung lập Thượng, huyện Củ Chi), hộ tham gia mô hình trồng Dưa leo phát biểu: “Mô hình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, giúp nông dân thay đổi dần phương thức sản xuất truyền thống, áp dụng các kỹ thuật sản xuất VietGAP, ghi chép nhật ký sản xuất, có thể truy suất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng; vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng”. Các hộ nông dân còn lại đều đề xuất thời gian tới, Khuyến nông xem xét hỗ trợ nông dân các thiết bị cơ giới hóa (máy xới mini, máy phun thuốc sử dụng dây với hệ thống áp lực lớn,…) giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nền nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển.

     Ông Trương Hoàng Cộng, cán bộ phụ trách kinh tế xã, đại diện địa phương phát biểu: “Qua báo cáo kết quả mô hình cho thấy năng suất sản xuất Dưa leo và Khổ qua theo quy trình VietGAP đạt yêu cầu đề ra, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất sản phẩm. Vì vậy, thời gian tới mong Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất sản phẩm do nắng nóng. Đồng thời, tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp nông dân triển khai mô hình; từ đó nông dân sẽ nhân rộng mô hình và thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quy định VietGAP. Về thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, địa phương sẽ tổng hợp nhu cầu nông dân gửi Khuyến nông huyện và Thành phố xem xét, hỗ trợ, góp phần nâng cao hiệu quả mô hình Khuyến nông, nâng cao kinh tế nông hộ tại địa phương”.

     Ông Dương Kim Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận các ý kiến và phát biểu tổng kết như sau: “Các hộ tham gia mô hình tích cực thực hiện những tiêu chuẩn VietGAP theo quy định và đã đạt chứng nhận VietGAP, giúp nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm, đó là mục tiêu cần thực hiện của mô hình. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, thời gian tới Khuyến nông tiếp tục nâng cao hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình định hướng nông nghiệp hữu cơ (giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo môi trường, sức khỏe người tiêu dùng,…), giúp nông dân sản xuất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các hộ duy trì thực hiện công tác ghi chép nhật ký sản xuất, để đạt chứng nhận VietGAP. Với đề xuất hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa, để triển khai kịp trong năm tới Trạm Khuyến nông Củ Chi nên phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, Phòng kinh tế huyện tổng hợp nhu cầu nông dân, gửi Khuyến nông Thành phố dự thảo kế hoạch thực hiện phù hợp nhu cầu đề ra.

     Ngoài những vấn đề trên, cán bộ kỹ thuật nên tư vấn các hộ ở địa phương tìm hiểu, kết hợp mô hình trồng trọt, chăn nuôi… có thể thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp nông dân sản xuất theo định hướng chung của ngành nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, Khuyến nông Thành phố đang triển khai Đề án Tổ Khuyến nông cộng đồng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng xã hội hóa, đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xã nông thôn mới. Do đó, Trạm Khuyến nông nên trao đổi với địa phương và kết nối các hộ thực hiện thí điểm Tổ Khuyến nông cộng đồng tại xã Trung Lập Thượng, nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở, đây là cầu nối giữa doanh nghiệp – Nhà nước – nhà khoa học và nông dân trong vấn đề nâng cao giá trị, tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao kinh tế nông hộ, kinh tế nông nghiệp địa phương và xây dựng nền nông nghiệp mới phù hợp với thời đại phát triển như hiện nay”.

M.Hiếu