Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai thực hiện công tác khuyến nông năm 2024 và định hướng hoạt động năm 2025 trên địa bàn huyện Củ Chi
14/05/2024Nhằm nắm bắt các định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương để qua đó điều chỉnh các hoạt động khuyến nông ngày càng hiệu quả, chuyển giao được những mô hình nông dân địa phương cần và phù hợp với định hướng của Thành phố nói chung và huyện Củ Chi nói riêng, Trung tâm Khuyến nông Thành phố vừa có buổi làm việc với Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, Hội Nông dân huyện Củ Chi về kế hoạch triển khai hoạt động khuyến nông năm 2024 và định hướng thực hiện năm 2025. Tham gia buổi làm việc có Bà Lê Ngọc Sương – Trưởng phòng Kinh tế huyện, Ông Phạm Văn Luân – Chuyên viên Phòng Kinh tế, Ông Nguyễn Thanh Giang – Hội Nông dân huyện, Bà Lê Thị Thúy Ái – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông, Ông Lê Đình Chức – Trưởng trạm Khuyến nông Củ Chi và đại diện các phòng ban của Trung tâm Khuyến nông Thành phố.
Được biết trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Thành phố sẽ triển khai trên địa bàn huyện Củ Chi 17 mô hình trình diễn khuyến nông tập trung vào các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, mô hình theo nhu cầu thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương; Tổ chức 17 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Tổ chức 03 cuộc hội thảo tập trung vào phát triển trồng rau ứng dụng công nghệ cao, giảm stress nhiệt trong chăn nuôi bò sữa và 09 cuộc tham quan học tập mô hình hiệu quả về rau, bưởi, bò sữa, bò thịt, heo, cá cảnh,… qua đó giúp người nông dân có kinh nghiệm để triển khai sản xuất tại nông hộ.
Bà Lê Thị Thúy Ái – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chia sẻ: với mong muốn kết nối, hợp tác hơn nữa với địa phương trong việc triển khai các hoạt động khuyến nông tại huyện Củ Chi ngày càng hiệu quả, qua đó cùng hỗ trợ nhau để người dân được hưởng những cơ chế, chính sách có lợi nhất và hiệu quả nhất góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Hiện nay, Khuyến nông đang trình Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung Định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông trên địa bàn Thành phố, thời gian tới sau khi Ủy ban ban hành sẽ áp dụng vào việc triển khai hoạt động chuyển giao mô hình trình diễn khuyến nông trên diện rộng, với quy mô đầu tư lớn, hướng tới sẽ phát triển theo hướng dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp; đồng thời Khuyến nông cũng đang xây dựng cơ chế thực hiện Tổ Khuyến nông cộng đồng trên địa bàn Thành phố; Tập trung vào công tác hướng dẫn dịch vụ logistics, chế biến sản phẩm nông nghiệp đem lại lợi nhuận cao nhất cho người dân.
Phát biểu buổi làm việc, Bà Lê Ngọc Sương – Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: bản thân rất vui khi được tham gia buổi làm việc này, đây như là minh chứng cho việc kết nối, hỗ trợ, hợp tác giữa các ban ngành chuyên môn hoạt động trong địa phương. Thời gian qua, Phòng Kinh tế cũng đã có sự hợp tác tốt với Trạm Khuyến nông Củ Chi trong các hoạt động nông nghiệp. Qua buổi gặp gỡ trao đổi này sẽ gắn kết thêm giữa đơn vị quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp để mục đích cuối cùng là cùng nhau hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ được giao tốt nhất. Thông qua các hoạt động dự kiến mà Khuyến nông triển khai trong năm 2024 tại địa phương tập trung phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp tuần hoàn và phát triển vùng rau muống nước VietGAP tại xã Bình Mỹ, vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái tại xã Trung An…. so với các định hướng, chương trình nông nghiệp của huyện Củ Chi là phù hợp. Hiện Củ Chi có 40 hợp tác xã, trong đó có 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, còn lại 50% hợp tác xã đang gặp khó khăn đầu ra sản phẩm không ổn định nên cũng nhiều tâm tư. Chúng tôi cũng đã đặt hàng với Sở Nông nghiệp sắp tới tổ chức 01 cuộc Hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số Tit Tok, kết quả mong muốn các doanh nghiệp, các hợp tác xã tại Củ Chi sẽ được Tit Tok hỗ trợ hướng dẫn livestream bán hàng trên nền tảng này để tăng doanh thu cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện đất nông nghiệp tại Củ Chi dần bị thu hẹp nên hoạt động chăn nuôi ngày càng khó, định hướng của huyện là tìm đối tượng mới để đa dạng đối tượng nuôi. Ủy ban nhân dân huyện có chỉ đạo xây dựng Đề án nuôi hươu nhưng hiện nay chúng tôi chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả, tác động lan tỏa của đề án, chưa có kinh nghiệm về cách nuôi,… Sắp tới sẽ tổ chức 01 chuyến tham quan học tập mô hình nuôi hươu tại Hương Sơn – Hà Tĩnh tìm hiểu về đối tượng nuôi này, nhân đây chúng tôi cũng mong Trung tâm Khuyến nông Thành phố hỗ trợ có thông tin gì về nuôi hươu chuyển tải cho chúng tôi để chúng tôi có thêm cơ sở để xây dựng và thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Thanh Giang – Đại diện Hội Nông dân Huyện Củ Chi cũng chia sẻ: Thời gian qua Hội Nông dân huyện và Trạm Khuyến nông Củ Chi cũng đã có mối quan hệ phối hợp rất tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp của huyện. Sắp tới Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền cho hội viên nông dân về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Năm 2024, khuyến nông chuyển giao 17 mô hình trình diễn chúng tôi đặc biệt quan tâm và sẽ cùng với khuyến nông phối hợp thực hiện mô hình trồng bưởi kết hợp du lịch sinh thái tại xã Trung An. Thời gian tới cũng mong Khuyến nông có nhiều chính sách hỗ trợ thêm cho hội viên nông dân, thành viên hợp tác xã trong sản xuất cũng như trong kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Văn Luân – Chuyên viên Phòng Kinh tế huyện cũng đề xuất cần khuyến nông hỗ trợ thêm Tiêu chí Khuyến nông cộng đồng để các xã có cơ sở quyết định thành lập các Tổ Khuyến nông cộng đồng.
Bà Lê Thị Thúy Ái – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu kết luận: Qua các thông tin mà Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện chia sẻ và đề xuất, trong hoạt động khuyến nông chúng tôi điều chỉnh và hỗ trợ địa phương hết sức mình để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ngành Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân Thành phố giao. Đối với 50% hợp tác xã của huyện đang hoạt động chưa đạt hiệu quả, khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi sẽ tổ chức điều tra khảo sát tìm hiểu nhu cầu thực tiễn về quy hoạch sản xuất theo thị trường, đối tượng sản xuất, số lượng, sản lượng, chất lượng và công tác tổ chức của hợp tác xã để từ đó có thể hỗ trợ cùng với ban ngành địa phương tìm ra nguyên nhân và có các giải pháp phù hợp để khắc phục; Về Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng tôi sẽ có công văn gửi Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đề nghị hỗ trợ chuyển giao các kết quả công trình khoa học liên quan đến kinh tế tuần hoàn để chuyển giao cho nông dân; Về Đề án nuôi hươu của huyện, chúng tôi đề nghị cùng với huyện tổ chức 01 chuyến tham quan mô hình nuôi hươu để nông dân trên địa bàn Củ Chi nói riêng và của Thành phố nói chung có dịp tìm hiểu học tập thêm đối tượng nuôi mới này; Về hỗ trợ thông tin Tiêu chí Tổ Khuyến nông cộng đồng, Thành phố Hồ Chí Minh không nằm trong 13 tỉnh, thành thực hiện thí điểm của Đề án, tuy nhiên hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành tham mưu, đề xuất cho Sở Nông nghiệp và PTNT các vấn đề liên quan đến Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn Thành phố, sắp tới có thông tin gì liên quan chúng tôi sẽ chia sẻ với địa phương để cùng thực hiện. Trong năm 2025, căn cứ vào các kế hoạch về phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, về phát triển kinh tế tuần hoàn, về phát triển nâng cao chất lượng vùng trồng rau muống nước VietGAP, …. của huyện Củ Chi, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động khuyến nông tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn, tham quan, hội thảo liên quan đến các vấn đề này để cùng địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trúc Minh