Hội thảo Phát triển trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Củ Chi

 

    Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) hiện là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp hiện nay, đây là nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, mục đích tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp nước nhà. Với tính năng tích cực của việc ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau nói riêng,… vừa qua Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi, trực thuộc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tổ chức Hội thảo “Phát triển trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện”, nhằm trao đổi, đưa ra giải pháp phát triển trồng rau UDCNC trên địa bàn huyện ngày càng đạt hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030.

     Củ Chi là địa bàn nông nghiệp trọng điểm của TP.HCM và tập trung sản xuất nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố, đặc biệt là trồng rau UDCNC đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thành phố. Thống kê năm 2023 huyện Củ Chi có hơn 36 đơn vị sản xuất, trồng rau UDCNC thực hiện quy trình sản xuất tập trung khép kín, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về sản xuất an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm,… chiếm hơn 430 ha diện tích sản suất với các loại rau ăn lá, ăn quả, dưa lưới và nấm,…

    Để đạt được diện tích sản xuất như trên, huyện Củ chi đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao là những đơn vị có nhiều hỗ trợ tích cực giúp địa phương phát triển trồng rau UDCNC đạt hiệu quả. Cụ thể, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao xây dựng 01 mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và 10 mô hình nông nghiệp phù hợp với TP.HCM; sản xuất 20 kg hạt giống rau ăn quả, 01 triệu cây giống, phát triển và đăng ký lưu hành trên thị trường 02 chế phẩm vi sinh sử dụng trong nông nghiệp, 05 sản phẩm chế biến từ nông sản sau thu hoạch,….

    Riêng Sở NN-PTNT Thành phố đã đầu tư thực hiện Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại xã Phước Vĩnh An; thực hiện 16 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó có 02 nhiệm vụ cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 14 nhiệm vụ cấp cơ sở; thực hiện sưu tập 05 giống rau, đánh giá tính thích nghi 24 giống rau, 6 giống hoa, nhân sản xuất các hạt giống đã phục tráng 04 giống rau, trồng theo dõi đánh giá 57 dòng ớt,…Trong đó, Trung tâm khuyến nông Thành phố là đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT đã tích cực tư vấn, hỗ trợ địa phương phát triển sản xuất rau UDCNC thông qua các hình thức như: Tập trung thông tin tuyên truyền các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo,… nhằm góp phần thực hiện kết quả Chương trình Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030. Cụ thể, đã tổ chức 04 lớp tập huấn, trong đó có 02 lớp tập huấn về công nghệ cao và 02 lớp tập huấn về sản xuất rau hữu cơ; thực hiện 01 cuộc tham quan mô hình trồng rau UDCNC cho gần 30 nông dân tham gia, nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận những mô hình sản xuất rau UDCNC hiệu quả với các công nghệ mới như hệ thống tưới nhỏ giọt, nhà màng, nhà lưới,…; tổng hợp danh sách 18 nông dân sản xuất rau tham gia chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hữu cơ hiệu quả tại tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang, nhằm giúp nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ hiệu quả ở tỉnh bạn, từ đó làm tiền đề ứng dụng và phát triển các mô hình mới, đạt hiệu quả cao khi sản xuất trên địa bàn huyện.

    Qua đó, cho thấy Củ Chi là một trong những địa phương trên địa bàn Thành phố được các ban ngành, cơ quan chuyên môn về ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ, tư vấn, giúp sản xuất rau UDCNC trên địa bàn huyện đạt được kết quả như trên. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, huyện Củ Chi cũng có những khó khăn trong quá trình thực hiện như: Với quá trình đô thị hóa nhanh, tính không ổn định lâu dài về đất sản xuất nông nghiệp; các chính sách về xây dựng công trình phụ phục vụ sản xuất nông nghiệp UDCNC còn nhiều vướng mắc về thủ tụ hướng dẫn xây dựng hoặc chưa có quy hoạch cụ thể các vùng trồng rau công nghệ cao, hữu cơ, đa số các cơ sở sản xuất tự phát nhỏ lẻ, không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường; đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng tiếp cận công nghệ cao, hữu cơ để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu; giá cả bếp bênh, không ổn định; chi phí đầu tư ban đầu cao; người sản xuất đòi hỏi phải có trình độ quản lý và tay nghề cao,… Đó là một trong những nguyên nhân để nông dân còn e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng các mô hình công nghệ cao, hữu cơ, mặc dù việc xuất rau công nghệ cao, hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao,…

    Từ những phân tích như trên, Hội thảo đã trao đổi, đưa ra các giải pháp cần thực hiện như: Giải pháp quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC, vùng trồng rau hữu cơ phù hợp với địa phương, công bố công khai quy hoạch, chi tiết để các cá nhân, doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư,…; Giải pháp về khoa học – công nghệ, xây dựng các mô hình NNCNC, mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, hữu cơ thông qua các hoạt động Khuyến nông nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học  và công nghệ cho nông dân,….; Giải pháp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông viên thành thạo kỹ năng vận hành các mô hình NNCNC, mô hình hữu cơ đủ khả năng chuyển giao cho nông dân và doanh nghiệp,…; Giải pháp phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao hữu cơ trong nông nghiệp, vận động nông dân và doanh nghiệp tham gia các mô hình NNCNC, hữu cơ để được hỗ trợ, tiếp nhận công nghệ; Giải pháp về thông tin tuyên truyền, tăng cường tuyên truyền giới thiệu các nghiên cứu, chuyển giao, các mô hình sản xuất rau UDCNC, các mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, hữu cơ, những đơn vị, cơ sở có mô hình UDCNC đạt hiệu quả với các Hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị thu mua và người tiêu dùng,…; Giải pháp về vốn, tạo điều kiện để các các nhân, đơn vị tham gia sản xuất NNCNC, sản xuất hữu cơ, tiếp cận nguồn vốn vay khuyến khích sản xuất nông nghiệp của Thành phố để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị máy móc tổ chức sản xuất rau CNC với lãi suất ưu đãi. Đồng thời tích cực tư vấn hỗ trợ các cá nhân, đơn vị tham gia các mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông Thành phố triển khai sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí đối với sản xuất rau công nghệ cao, 50% kinh phí đối với sản xuất rau theo hướng hữu cơ theo quy định Nghị định 83/2018/NĐ-CP về Khuyến nông của Chính phủ đã ban hành.

M.Hiếu