Hồ Chí Minh: lập phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025

    Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn đứng thứ 3 sau lũ lụt và bão mà TP. Hồ Chí Minh nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng đặc biệt vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Đồng thời, thực hiện Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Ngày 4/2, UBND TP.HCM ban hành Phương án Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 trên địa bàn thành phố.

    Theo đó, Phương án đã đưa ra giải pháp chung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất như theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025; Tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét, các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, sông, kênh, rạch; Xây dựng kế hoạch cấp nước, cân đối khả năng cung cấp nước phục vụ cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

    Đối với giải pháp về thủy lợi, tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, các công trình cấp nước; Thường xuyên kiểm tra và kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định vào hệ thống công trình thủy lợi, sông, kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước.

Đối với giải pháp về trồng trọt, thực hiện bố trí cơ cấu mùa, vụ gieo trồng phù hợp, ưu tiên sử dụng giống cây trồng có khả năng chịu mặn, chịu hạn, hiệu quả kinh tế cao; Tập trung xuống giống đồng loạt, đúng thời vụ, tăng cường áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ nhiễm mặn cao;…

    Đối với giải pháp về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thông tin rộng rãi, kịp thời về tình hình thời tiết, mức độ xâm nhập mặn, khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng mô hình nuôi phù hợp, chủ động chuyển đổi cơ cấu con giống phù hợp, thả giống mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc chu đáo để hạn chế những thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra; Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức và người dân các giải pháp cải tạo tốt ao nuôi, xây dựng chuồng trại phù hợp với tình hình thực tế. Từng bước áp dụng kỹ thuật, quy trình nuôi an toàn sinh học.

    Đối với giải pháp về lâm nghiệp, rà soát lại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng và cây phân tán cao với quy mô đám cháy lớn để xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy theo diễn biến tình hình thời tiết và thực tiễn khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy lớn.

             (Đính kèm Phương án số 689/PA-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh về phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025).

Trúc Minh