Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững
23/09/2024
Đất trồng trọt là tư liệu sản xuất đặc biệt đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sinh trưởng phát triển của cây trồng. Thời gian qua quản lý sức khỏe đất trồng trọt đạt được nhiều kết quả quan trọng như: xây dựng hành lang pháp lý về sức khỏe đất; ban hành các tiến bộ kỹ thuật; kết quả nghiên cứu, đánh giá về sức khỏe đất trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi; cải tạo, sử dụng hiệu quả đất trồng trọt thoái hóa, ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: các nội dung nghiên cứu, điều tra, đánh giá về thoái hóa đất, chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất chưa đáp ứng được công tác bảo vệ chất lượng đất nói riêng hay sức khỏe đất sản xuất trồng trọt cũng như phục vụ công tác chỉ đạo trong sản xuất trồng trọt; nhận thức về sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt bền vững còn hạn chế; nguồn nhân lực hoạt động trong khoa học công nghệ, quản lý nhà nước lĩnh vực sức khỏe đất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để quản lý sức khỏe đất trồng trọt được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững, ngày 09/9/2024 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 6656/CT-BNN-TT về tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ (gồm: Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật; Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Vụ Hợp tác quốc tế; Cơ quan nghiên cứu và các đơn vị khác), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Doanh nghiệp, Hiệp hội tập trung thực hiện một số nội dung cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững (Chi tiết đính kèm Chỉ thị số 6656/CT-BNN-TT ngày 09/9/2024).
Riêng với Trung tâm Khuyến nông quốc gia là đơn vị có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận về sức khỏe đất gắn sản xuất trồng trọt bền vững; tập huấn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương các quy trình canh tác, quy trình duy trì, bảo vệ và cải tạo đất,… xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt.
M.Hiếu