Bộ Nông nghiệp và PTNT: ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

     Để thực hiện mục tiêu của Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn” đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 – 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 – 50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 – 2,0 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,…) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 – 2,5 tỷ USD; Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Quyết định số 2052/QĐ-BNN-TT ngày 28/6/2024 về Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn 2050″ với các nội dung:

     Một là, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Đề án như tuyên truyền phổ biến Đề án sắn và Kế hoạch triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu và định hướng của Đề án; các giải pháp áp dụng trong chuỗi sản xuất sắn bền vững; các mô hình sản xuất sắn theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, tài liệu quản lý và hướng dẫn kỹ thuật.

     Hai là, về khoa học công nghệ và Khuyến nông. Thu thập, trao đổi, lưu giữ nguồn gen sắn; nghiên cứu chọn tạo, phát triển và nhân rộng giống, các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác và chế biến sắn, các sản phẩm từ sắn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chuyển giao giống, tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác sắn, quy trình chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,…

     Ba là, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và nông dân; xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành hàng sắn.

     Bốn là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển ngành hàng sắn như chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất sắn bền vững; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sắn tại địa phương; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

     Năm là, phát triển thị trường. Cập nhật, phổ biến thông tin, quy định thị trường; tổ chức các hội thảo, hội chợ, triển lãm, diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đàm phán mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm từ sắn,…

     Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về giống, trao đổi gen, đào tạo nguồn nhân lực; tổng hợp đề xuất nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ về phát triển bền vững ngành hàng sắn.

(Chi tiết đính kèm  Quyết định số 2052/QĐ-BNN-TT ngày 28/6/2024 về Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn 2050”  Phụ lục Kế hoạch ).

Trúc Minh