Thành phố Hồ Chí Minh: Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản và Chương trình giám sát, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật năm 2025

    Nhằm giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên đàn vật nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời khi phát sinh dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; Kiểm soát 100% giống thủy sản nhập, xuất của các cơ sở thuần dưỡng và trên 80% lượng tôm giống thả nuôi trực tiếp tại các ao nuôi trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh  (TP.HCM) vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản và Chương trình giám sát, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật năm 2025. Theo đó, năm 2025 sẽ thực hiện một số nội dung sau:

    Một là, thống kê, quản lý tình hình chăn nuôi: Kiểm tra tình hình chăn nuôi, yêu cầu cơ sở chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi, rà soát, cập nhật phần mềm tình hình biến động đàn gia súc, phân tích dữ liệu và báo cáo tình hình chăn nuôi, tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc; tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân TP.HCM xây dựng văn bản quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn Thành phố; Thống kê gia súc, gia cầm và đàn chó, mèo năm 2025 vào thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2025 và thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2025; Thực hiện giám sát tối thiểu 90% cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm sản xuất giống vật nuôi; tiếp tục giám sát tình hình nhập xuất con giống tại các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng tôm giống, tình hình thả nuôi tại các cơ sở nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.

    Hai là, tập huấn, tuyên truyền: Tổ chức 21 lớp tuyên truyền tập huấn, về phòng, chống dịch bệnh động vật; 25 lớp về phòng, chống dịch bệnh Dại; 09 lớp về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản; 02 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thú y, mạng lưới thú y trong công tác phòng, chống dịch; In và cấp phát 56.000 tờ bướm tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh động vật; 4.000 tờ bướm tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh thủy sản; 100 tờ poster hướng dẫn chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Ngoài ra, còn viết tin bài đăng trên thông tin địa chúng về phòng, chống dịch bệnh động vật và thủy sản.

    Ba là, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm: Triển khai tiêm phòng bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 8 năm 2021), Ủy ban nhân dân Thành phố (Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2022), Hội đồng nhân dân Thành phố (Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021);  Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt tối thiểu 80% tổng đàn gia súc, gia cầm và trên 90% tổng đàn chó, mèo đối với tiêm phòng vắc-xin ngừa bệnh Dại.

    Bốn là, giám sát chủ động dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng và giám sát tại các cơ sở xây dựng an toàn dịch bệnh như Giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, thủy cầm, chim cảnh và chim yến; Giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, chó, mèo và giám sát bệnh trên gia cầm sống, sản phẩm động vật tại các điểm kinh doanh; Giám sát dịch bệnh động vật thủy sản; Tiếp tục triển khai có hiệu quả hệ thống giám sát dịch bệnh tại các địa phương nhằm giám sát tình hình dịch bệnh động vật, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

    Năm là, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

    Sáu là, xây dựng cơ sơ, vùng an toàn dịch bệnh động vật

    Để thực hiện hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã đề ra một số giải pháp như:

    Về quản lý, cập nhật tình hình chăn nuôi: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, rà soát điều tra thống kê gia súc, gia cầm và đàn chó, mèo 2 đợt/năm. Quản lý chặt chẽ, cập nhật đầy đủ số liệu biến động đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, lấy mẫu giám sát chủ động dịch bệnh động vật và giám sát sau tiêm phòng bám sát hoạt động chăn nuôi trên địa bàn Thành phố; Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thống kê quản lý đàn gia súc, tình hình dịch tễ, công tác tiêm phòng.

    Về thông tin tuyên truyền: Thông tin tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan về cách tính đơn vị vật nuôi trên tổng số gia súc nuôi để xác định mức hỗ trợ chi phí tiêm phòng; Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi; Tuyên truyền, tập huấn cho người chăn nuôi về việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật và thủy sản, tập trung áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP; Phối hợp với chính quyền địa phương vận động cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tham gia xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.

     Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức 02 đợt công tác cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý tham quan học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản; Nghiên cứu giải pháp, cách thức đầu tư trang thiết bị cho công tác chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát, kiểm tra tình hình chăn nuôi, dịch tễ; Duy trì hệ thống nhân viên thú y xã, phường, thị trấn theo quy định hiện hành.

    Giải pháp kỹ thuật: Triển khai tiêm phòng vắc-xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục đạt trên 80% tổng đàn gia súc. Tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại đạt trên 90% tổng đàn; Giám sát chủ động dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng; Điều tra và xử lý dịch bệnh; Vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo đúng quy trình chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh; Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

    Giải pháp về quản lý: Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, tình hình dịch tễ trên đàn vật nuôi; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án triển khai Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn Thành phố; Quản lý việc hành nghề thú y tư nhân, các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và các dịch vụ liên quan đến chó, mèo;…

    Giải pháp liên kết, hợp tác: Phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành Thành phố trong việc thông tin, tuyên truyền các quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an ninh sinh học, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, diệt các véc-tơ trung gian gây bệnh như các loại côn trùng, các loài gặm nhấm,…; Phối hợp với các tỉnh, thành chia sẻ thông tin dịch bệnh, tình hình dịch tễ và hợp tác trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; Trao đổi thông tin, cập nhật danh sách cơ sở sản xuất giống và đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản; Phối hợp với các cơ quan y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người;…

Trúc Minh