Tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kiên Giang

Học viên và các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao Gro-farm của công ty Khải nam Hà Tiên (Kiên Giang)

      Với nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao cho nông dân những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, thông qua hình thức tập huấn, tham quan, hội thảo và triển khai các lớp dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Thành phố, trong tháng 4/2022 vừa qua Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Khai giảng lớp dạy nghề “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm” cho 20 học viên là nông dân tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Đối tượng lớp học là nông dân, có nhu cầu thực hiện nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) hoặc chuyển đổi từ ngành nghề khác sang nuôi tôm UDCNC. Thời gian lớp học trong 01 tháng (từ 4/2022 – 5/2022) và chương trình khóa học gồm có 30 tiết lý thuyết, 70 tiết thực hành và 01 chuyến tham quan kiến tập thực tế tại các mô hình hiệu quả về nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.   

         Theo đó, từ ngày 14 – 16/5/2022, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã tổ chức chuyến tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng UDCNC tại ấp ngã tư, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang cho học viên lớp học tham quan, kiến tập thực tế. Đoàn tham quan gồm hơn 20 người, là lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, Hội nông dân, Phòng kinh tế huyện Cần Giờ, cán bộ sản xuất xã Lý Nhơn và các học viên là chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng UDCNC trên địa bàn huyện Cần Giờ.

        Lịch trình ban đầu, đoàn tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao Gro-farm tại công ty Khải nam Hà Tiên (tại ấp ngã tư, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang). Mô hình gồm 2 modum với tổng diện tích là 25 ha. Trong đó, giai đoạn trước mắt đang vận hành mudum 1 là 8 ha gồm 3 ao gièo và 12 ao nuôi, diện tích ao nuôi được thiết kế trung bình là 1.200m2, diện tích còn lại là các công trình phụ trợ như nhà xưởng, khu xử lý chất thải. Tôm thẻ chân trắng nuôi tại đơn vị sau khi được thả ương trong ao gièo từ 20 – 25 ngày sẽ được chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2 (kéo dài từ 40 – 45 ngày), sau thời gian đó tiếp tục chuyển sang nuôi giai đoạn 3 đến khi đạt kích cỡ phù hợp sẽ xuất bán. Theo đại diện Công ty Khải Nam Hà Tiên cho biết việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào quá trình nuôi như kiểm soát tốt chất lượng nước đầu vào, sử dụng máy cho tôm ăn tự động, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường đã giúp nâng cao hiệu quả nuôi, tăng tỉ lệ thành công trong vụ nuôi, nâng cao tỉ lệ sống, rút ngắn thời gian nuôi thời gian trung bình khi nuôi tôm về kích cỡ 60con/kg là khoảng 60 ngày.

         Thông qua chuyến tham quan, học tập tại các trang trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các học viên lớp học được gặp gỡ, học tập và trao đổi kinh nghiệm về cách thức thiết kế và vận hành ao nuôi, các phương pháp xử lý nước đầu vào trước khi cấp vào ao nuôi, cách cho ăn, kiểm tra tôm,…. các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả và có khả năng nhận rộng cho địa phương.

          Bên cạnh đó, thông qua chuyến tham quan giúp học viên có thể áp dụng kiến thức lý thuyết trên lớp học vào thực tiễn từ các mô hình thực tế, giúp các học viên nâng cao kiến thức và tay nghề trong quá trình học tập cũng như dành cho thời gian áp dụng vào thực tế sau này tại các mô hình nuôi của gia đình; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế mô hình cũng như kinh tế nông nghiệp địa phương trong thời gian tới.

Kỹ sư Quốc Tường   

(Phòng Kỹ Thuật, TTKN)