Một số lưu ý khi nuôi cá dĩa

           Cá Dĩa là một trong những loài cá cảnh được rất nhiều người chơi cá cảnh ưa chuộng nuôi. Cá Dĩa cũng là loài cá cảnh khó nuôi trong các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới hiện nay, để nuôi được cá Dĩa thành công, người chơi cần lưu ý một số vấn đề như:

           Thứ nhất, vị trí đặt bể nuôi: Cá Dĩa là loài cá nhạy cảm đặc biệt là với tiếng ồn, chấn động nhẹ, ánh sáng mạnh khiến cá Dĩa dễ bị stress. Vì vậy, bể nuôi cá Dĩa nên đặt ở vị trí ít tiếng ồn, tránh xa vị trí loa đài, vô tuyến hoặc đặt nơi gần với đường phố nơi nhiều xe cộ, nhiều người qua lại, đặt tại nơi yên tĩnh; đặt bể cá nơi có ánh sáng vừa đủ, không nên để nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Mô hình nuôi cá Dĩa tại huyện Củ Chi

         Thứ hai, bể nuôi: Tùy thuộc vào vị trí đặt bể cá để lựa chọn bể nuôi cá Dĩa có kích thước phù hợp, thông thường bể nuôi cá Dĩa có kích thước phổ biến (dài x rộng x cao) trong khoảng 60 x 30 x 30 cm, 90 × 45 × 45cm hoặc 120 × 45 × 45 cm. Việc thả nuôi cá Dĩa trong bể có kích thước lớn sẽ càng dễ duy trì và quản lý chất lượng nước trong bể nuôi.

          Đối với các bể mới mua về nên ngâm nước sạch từ 2 – 4 ngày, phơi bể cho thật khô khoảng 3 – 4 ngày dưới ánh nắng mặt trời, sau đó mới tiến hành thả cá.

         Thứ ba, ánh sáng bể nuôi: Cá Dĩa thích ánh sáng vừa phải, nên bố trí đèn chuyên dùng cho cá. Ánh sáng nhiều, nước nuôi sẽ mau đục do tảo phát triển ảnh hưởng đến sức khỏe và các sắc tối của cá Dĩa.

         Thứ tư, chất lượng nước nuôi: Để cá Dĩa phát triển khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh tật nước nuôi phải đảm bảo yêu cầu về các thông số về môi trường, nước khi cấp vào bể nuôi phải đảm bảo không chứa các loại khí độc như NH3, NO2 và kim loại nặng.

          – Vấn đề thay nước trong quá trình nuôi tùy thuộc vào cách quản lý của người nuôi, nhưng tốt nhất việc thay nước nên được thực hiện theo một quy luật và thời gian nhất định.

          – Nên thay nước cho cá thường xuyên, nên thay mỗi ngày nếu cá từ 0 – 3 tháng (mỗi lần thay nước khoảng 30-50%). Đối với cá Dĩa trưởng thành thì thay mỗi ngày hoặc 1 ngày thay nước 1 – 2 lần (mực nước mỗi lần thay khoảng 50-80% nước).

          – Mật độ nuôi cá Dĩa sẽ tùy thuộc vào trình độ quản lý và chăm sóc của người nuôi, thông thường khoảng 1 – 2 con/20 lít nước.

          – Tùy thuộc và từng giai đoạn phát triển của cá để điều chỉnh giá trị pH nằm trong khoảng thích hợp như:

          + Đối với các Dĩa kích thước 2 – 4 cm giá trị pH dao động khoảng 6,5 – 6,7.

          + Đối với cá trưởng thành giá trị pH nuôi dao động khoảng 6 – 6,8.

          + Đối với cá Dĩa nuôi trong giai đoạn sinh sản, giá trị pH dao động khoảng 5,5 – 6,5.

          Trường hợp giá trị pH trong bể quá thấp, thì nên tăng cường sục khí đến khi giá trị pH đạt mức phù hợp.

          – Bên cạnh giá trị pH thì độ cứng của nước cũng là 1 trong những yếu tố cần được người nuôi quan tâm:

          + Đối với cá Dĩa mới nở, độ cứng luôn dao động ở mức 5 – 10

          + Đối với cá Dĩa trưởng thành độ cứng luôn dao động ở mức 10 – 15

          + Đối với cá Dĩa đang giai đoạn sinh sản, giá trị độ cứng luôn dao động ở mức 5 – 6.

          Thứ năm, nhiệt độ bể nuôi: Ngoài vấn đề bể nuôi, kích thước bể, người nuôi cá Dĩa cần quan tâm đến nhiệt độ nước nuôi trong bể. Nhiệt độ phải luôn đảm bảo ở mức thích hợp nhất: cá Dĩa bột mới sinh nhiệt độ nước nuôi từ 27 – 30oC, cá dĩa trưởng thành từ 7-9 tháng tuổi nhiệt độ nước nuôi từ 25 – 27 oC. Trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng cá dĩa thường xuyên đo nhiệt độ nước để điều chỉnh kịp thời nếu nhiệt độ thay đổi.

Cá Dĩa sau 3 tháng nuôi đang cho ăn trùn quế

          Thứ sáu, hướng dẫn cách chọn thức ăn:

          – Giai đoạn 1: Cá Dĩa từ lúc tách mẹ đến khi được 01-03 tháng tuổi, ở giai đoạn này người nuôi nên cho chúng ăn nhuyễn thể hoặc giáp xác nhỏ, trùn chỉ, artemia.

          – Giai đoạn 2: Cá Dĩa hơn tháng tuổi, người nuôi vẫn có thể cho ăn artemia hoặc trùn chỉ, trùn quế, tim bò.

          – Nên cho ăn từ 2-4 lần trong ngày, thời gian cho ăn từ 8h sáng đến 3h chiều, không nên cho cá ăn vào buổi tối.

          – Do cá Dĩa ăn rất ít, do đó cần theo dõi sức ăn và điều chỉnh (cho cá ăn dần dần từ ít đến nhiều). Không nên cho cá ăn quá nhiều, cá ăn quá no sẽ dễ bị nhiễm các bệnh về đường ruột cũng như thức ăn thừa sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước , tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

         Quốc Tường (Tổng hợp).