Mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại tại huyện Bình Chánh mang lại hiệu quả kinh tế cao

Góp phần thực hiện mục tiêu Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Cải thiện chất lượng và hình thành đàn bò thịt giống chất lượng cao trên nền tảng từ đàn bò thịt hiện hữu của TP. Hồ Chí Minh; Tạo ra nguồn thịt bò có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của thành phố, Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân trực thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình “Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại” để chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại, phát triển đàn bò thịt theo hướng chuyên thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao cho 14 hộ chăn nuôi tại các xã Tân Quý Tây, Tân Nhựt, Tân Kiên, huyện Bình Chánh với quy mô 40 con bò thịt lai giống ngoại.

Theo đó, các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại an toàn dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại định kỳ và tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm do Trung tâm Khuyến nông chuyển giao. Sau thời gian thực hiện 18 tháng, từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2020, Trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân đã tiến hành tổng kết mô hình vào ngày 24/7/2020. Kết quả cho thấy tất cả bò sơ sinh có trọng lượng đạt 28 -35 kg/con, tăng trọng bê bình quân 750 – 800 g/con/ngày. Tỷ lệ nuôi sống đạt 97,37%. Mô hình từng bước cải thiện được chất lượng giống bê lai với các giống lai Charolais, Red Angus, BBB … thể hiện được ưu thế lai, ngoại hình đẹp, thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương. Chi phí chăn nuôi bò thịt lai ngoại nuôi 18 tháng có trọng lượng bình quân 612 kg là 34.293.000 đồng với giá bán 70.000 đồng/kg thịt hơi lợi nhuận đạt 8.547.000 đồng/con; nếu sau khi đã xử lý giết mổ bán theo thịt tinh với giá 170.000 đồng/kg thì lợi nhuận có thể đạt 12.525.000 đồng/con.

Theo ông Trần Thái Hoàng, 01 trong những hộ tham gia mô hình tại xã Tân Kiên nhận xét: mô hình chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại đạt hiệu quả cao. Để tăng thu nhập, Ông đã tận dụng ngọn mía từ các vựa mía mang về ép, cắt nhỏ để ủ chua cho bò ăn và chỉ phải mua thêm phụ phẩm nông nghiệp như xác đậu, hèm bia, củ hủ dừa, bắp… nhờ đó giảm đáng kể chi phí thức ăn nuôi bò. Để tránh thời tiết nóng bức vào ban ngày dẫn đến bò ăn ít, nên ông còn cho bò ăn thêm vào ban đêm (lúc 21 giờ) để bò mau tăng trọng hơn.

Tại hội thảo, Ông Hồ Vĩ Nhân – Trưởng trạm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân phát biểu: Hộ ông Trần Thái Hoàng là hộ có mô hình đẹp và đạt hiệu quả kinh tế cao đề nghị Phòng Kỹ thuật phối hợp các Trạm Khuyến nông tổ chức buổi thảo luận trao đổi về kỹ thuật ủ chua phụ phẩm ngọn mía từ mô hình đạt hiệu quả trên để chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi bò thịt tại những vùng chăn nuôi có tận dụng nguyên liệu mía sẵn có tại địa phương dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Qua mô hình đã giúp nông dân cải thiện kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, chọn phối giống bò thịt lai giống ngoại có năng suất cao, chất lượng giống và năng suất chăn nuôi bò thịt tăng lên, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào các khâu chăn nuôi, tăng thu nhập chăn nuôi bò, hướng đến phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững, cung cấp nguồn thịt bò có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

TN