Hội thảo “Các giải pháp phát triển kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp”
20/05/2024
Trong khuôn khổ Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP lần 1 năm 2024 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 5 năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao tổ chức Hội thảo “Các giải pháp phát triển kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp” nhằm giúp nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm nông nghiệp rau, củ, quả, cây ăn trái, các sản phẩm chế biến từ nông sản ra thị trường; nâng cao lợi thế cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng nông sản, các sản phẩm có ứng dụng khoa học, công nghệ số tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.
Tham dự Hội thảo có Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố; Đại diện các đơn vị Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố, Trường Đại học Nông Lâm cùng gần 150 đại biểu là Hội Nông dân các quận, huyện, hội viên nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo tham luận như “Các giải pháp phát triển kinh tế số trong sản xuất nông nghiệp”; “Giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế số và tiêu thụ sản phẩm”; “Các giải pháp phát triển kinh tế số nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”; “Các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản” và “Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp số”. Hội thảo cũng đã nhận nhiều câu hỏi của Ban Chấp hành Hội Nông dân và nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp liên quan đến các vấn đề về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số nông nghiệp hiện nay trên địa bàn Thành phố; ngoài các sàn thương mại điện tử hiện có như Sendo, Lazada, TikTok,… thì sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của thành phố cần có sân chơi riêng để người tiêu dùng Thành phố nói riêng và cả nước nói chung biết đến sản phẩm đặc trưng của Thành phố, tạo niềm tin cho khách hàng.
Chia sẻ tại hội thảo, Ông Nguyễn Văn Lượng – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Thành phố cho biết: Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet van vật,…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Theo Ông Lượng, “Kinh tế số mang lại một số lợi ích như giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu; giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; giúp nông dân nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chuyển đổi số ngành nông nghiệp hiện vẫn còn khó khăn, thách thức như trình độ cơ giới hóa còn thấp, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao nên thời gian tới để việc chuyển đổi số, kinh tế số phát triển cần chung tay của các cấp, các ngành và của chính người nông dân. Đối với các cấp, các ngành cần có các cơ chế định hướng quy hoạch đất đai tập trung phát triển theo vùng sản phẩm; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi vay; xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, số hóa dữ liệu và chia sẻ dữ liệu cho người nông dân giúp họ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đối với người nông dân cần phải ý thức được rằng mình đóng vai trò là chủ thể và chủ lực trong vấn đề này, bởi cuối cùng kết quả mạng lại cho chính họ”.
Theo Ông Lê Minh Trí, Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm: Tư duy của sản xuất nông nghiệp mục tiêu là tối đa năng suất, quan tâm đến sản xuất, chú ý số lượng, sản phẩm thô, không quan tâm chất lượng, quan tâm đến kỹ thuật, khách hàng là người tiêu dùng và thương lái. Còn tư duy kinh tế nông nghiệp mục tiêu là tối đa lợi nhuận, mối quan tâm chính là tiêu thụ, giá; quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP,…; quan tâm đến kinh tế. Tư duy kinh tế nông nghiệp là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay, thời đại 4.0. Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, Ông Trí cũng đưa ra một số giải pháp như tăng giá/giá cao (cần tăng khả năng dự báo giá thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, chế biến sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm,…); giảm chi phí vật tư đầu vào (đảm bảo giống tốt, nguồn vật tư đầu vào chất lượng tốt, giá tốt, kiểm soát quy trình sản xuất, giảm thiểu hao hụt,…); chi phí nhân công (quy trình sản xuất tốt, chuyên môn hóa và phân công công việc theo năng lực, quản lý tốt, giảm thất thoát, hao hụt,…); chi phí sản xuất chung; chi phí bán hàng; chi phí quản lý; và giải pháp cuối cùng là ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất (lắp đặt hệ thống cảm biến, camera, apps,… theo dõi toàn quá trình sản xuất và chăm sóc tự động), trong chế biến (lưu trữ dữ liệu về sản xuất và ứng dụng mã vạch, QR code để truy suất) và tiêu thụ (quảng cáo và bán hàng trên các trang/apps điện tử).
Kết luận Hội thảo, Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố nhấn mạnh: Hội thảo đã giúp chúng ta có cái nhìn sâu sát hơn về chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp số. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố cần có những cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, chuyển đổi số, kinh tế số phù hợp và hiệu quả cho người dân Thành phố; kiến tạo cho nông dân Thành phố một sân chơi riêng trên sàn thương mại điện tử để qua đó người tiêu dùng biết nhiều đến sản phẩm nông nghiệp Thành phố hơn.
Trúc Minh