Hiệu quả của “Mô hình đồng cỏ mẫu – cỏ voi xanh”
18/07/2020Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là vấn đề được Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) quan tâm đầu tư, phát triển. Trong đó, có lĩnh vực chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại là một trong những lĩnh vực được các huyện ngoại thành duy trì sản xuất, như Hóc Môn, Củ Chi.
Tại huyện Hóc Môn, theo thống kê của Trạm Chăn nuôi và Thú y TP.HCM (ngày 1/10/2019), tổng đàn bò là 17.483 con/1.344 hộ nuôi (bình quân 13 con/hộ), tổng diện tích cỏ là 428 ha (trong đó cỏ trồng 206 ha, cỏ tự nhiên 222 ha), năng suất cỏ tự nhiên 50 tấn/ha/năm, năng suất cỏ trồng 250 tấn/ha/ năm, đa số là cỏ voi trồng qua nhiều năm đã già cỗi cần được trồng lại để nâng cao chất lượng và năng suất. Với diện tích đất trồng cỏ và năng suất như hiện nay không thể phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh cho gia súc trên địa bàn. Do đó, người chăn nuôi phải thu mua cỏ từ nơi khác về (như huyện Củ Chi hoặc tỉnh Long An) để làm thức ăn cho bò.
Anh Đặng Quốc Tiến (83/3 ấp 4. Xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) đang thu hoạch cỏ từ mô hình Khuyến nông TP.HCM hỗ trợ
Để giải quyết thực trạng thiếu hụt và cải thiện chất lượng thức ăn thô xanh góp phần phát triển đàn bò thịt lai giống ngoại trên địa bàn huyện. Đồng thời, nhằm chuyển giao giống cỏ cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại TP.HCM nói chung và Hóc Môn nói riêng,… Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai “Mô hình đồng cỏ mẫu – cỏ voi xanh” với quy mô 1,1 ha/5 hộ tại 02 xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng. Các hộ tham gia mô hình đều là những hộ giàu kinh nghiệm sản xuất đã và đang canh tác giống cỏ voi, trồng trên luống, có rảnh giữa các luống để dẫn nước tưới và chống ngập úng.
Với hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Khuyến nông về khâu chuẩn bị đất, cách trồng và chăm sóc,… các hộ tham gia đã thực hiện và sau thời gian triển khai mô hình (từ tháng 12/2019 – 7/2020), kết quả cho thấy: giai đoạn đầu xuống giống cỏ có tốc độ sinh trưởng và khả năng thích nghi tốt với thổ nhưỡng tại địa phương. Năng suất, sản lượng đạt 334 tấn/ha/năm, giá thành sản xuất là 628 đồng/kg cỏ, với giá bán 800 đồng/kg cỏ bán tại ruộng. Như vậy, hiệu quả kinh tế đối với sản xuất cỏ với diện tích 01 ha, sau khi trừ chi phí, thu được trên 4,7 triệu đồng/tháng. Qua đó, cho thấy lợi ích của việc tự trồng cỏ cho bò ăn, vừa góp phần có hiệu quả kinh tế, vừa chủ động nguồn thức ăn cho bò, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững; Tạo sản phẩm an toàn và có năng suất cao đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh cho bò sử dụng; Đa dạng hóa chủng loại nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho thú nhai lại trên địa bàn. Qua hiệu quả có được, các hộ vẫn ghi nhận cỏ voi xanh là giống cỏ có thể nhân rộng cho các hộ chăn nuôi khác, góp phần tăng diện tích phủ xanh trên địa bàn, sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, khi tham khảo ý kiến của các hộ tham gia mô hình cho biết năng suất qua các vụ tại các hộ tương đối không đồng đều (năng suất thực tế cao nhất bình quân 366 tấn/ha/năm, thấp nhất bình quân 252 tấn/ha/năm) và vụ trồng rơi vào thời điểm nắng gắt đến đầu mùa mưa (thiếu nước tưới) nên tốn nhiều công chăm sóc và giá thành sản phẩm tăng. Đồng thời, trong thời gian trồng nắng gắt kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như tỷ lệ tái sinh và phục hồi của cây giống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, các hộ kiến nghị nên triển khai mô hình vào đầu mùa mưa, tiết kiệm nhiều công lao động, nước và vào mùa mưa giúp cỏ phát triển tốt. Tuy nhiên, vẫn có những hộ đã mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa trong mô hình, để khắc phục những khó khăn trên như hộ anh Đặng Quốc Tiến (83/3 ấp 4, Xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) áp dụng hệ thống tưới tự động nên năng suất và sản lượng cao hơn nhiều so với các hộ còn lại.
Đại diện Phòng kinh tế xã Xuân Thới Thượng đánh giá cao về hiệu quả mô hình, giúp các hộ chăn nuôi giải quyết phần thức ăn thô xanh cho đàn bò, vì vậy các hộ nên nhân rộng mô hình. Ngoài ra, mong Khuyến nông địa phương nên tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc để các hộ có điều kiện tiếp nhận kiến thức, thực hiện ngày càng hiệu quả hơn.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông TP.HCM – Ông Vũ Hồng Trường, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm phát biểu, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí mua thức ăn cho đàn gia súc, góp phần tăng diện tích phủ xanh trên địa bàn. Nhưng để nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình cán bộ kỹ thuật nên hướng dẫn cho người chăn nuôi những kỹ thuật ủ chua thức ăn từ cỏ, giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi, góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ. Đồng thời, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của người chăn nuôi về việc hỗ trợ các kỹ thuật cơ giới hóa trong chăn nuôi, giúp nông hộ phát triển ngành nghề và thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương ngày càng chuyên sâu hơn.
M.H