TP.HCM: tập trung nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp yến Cần Giờ

Nhằm hình thành vùng nuôi chim yến tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm yến Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói chung; góp phần phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà có hiệu quả và bền vững, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông nghiệp địa phương; qua đó có thể xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ là sản phẩm đặc trưng vùng miền của Thành phố, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp,… đó chính là nội dung chính của Hội thảo khoa học về Công tác quản lý nuôi chim yến, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM tổ chức vào ngày 12/9.

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nhận định, đây chính là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý ở nhiều tỉnh thành lân cận Thành phố có nuôi yến như: Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương,… cùng gặp gỡ, trao đổi, tìm giải pháp giải quyết các vấn đề đang gặp phải trong việc nuôi chim yến. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT Thành phố sẽ củng cố tư liệu, tham mưu và xây dựng nội dung Đề án nuôi chim yến trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2024 – 2030 trình Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt và tiến hành thực thi Đề án. Qua việc thực thi Đề án sẽ là cơ sở để hình thành, phát triển nghề nuôi chim yến và tạo ra những dòng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị đặc thù của Thành phố trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM phát biểu tại Hội thảo

Theo các nhà quản lý, nhà khoa học có mặt tại Hội thảo cho biết, TP.HCM là thị trường nông nghiệp lớn của cả nước, đây là nơi tập trung và mong muốn tiêu thụ của mọi sản phẩm tốt nhất, thế nhưng khi tìm một sản phẩm của riêng Thành phố để làm quà tặng đôi khi tìm mãi vẫn không có,… Đây là bài toán mà lãnh đạo Thành phố đang đặt ra nhiều phương thức để thay đổi thực tế và hiện Thành phố đã có nhiều chỉ đạo xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Thành phố; trong đó, Cần Giờ là địa phương được chọn để xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu nông nghiệp đặc thù của Thành phố như Yến Cần Giờ; tuy nhiên, một trong những thách thức của ngành nuôi yến Cần Giờ hiện nay phần lớn chỉ sản xuất và bán tổ yến thô; trong khi đó, giá trị của việc bán những sản phẩm yến chế biến sâu cao gấp 10 – 13 lần so với việc bán yến thô. Vì vậy, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp về yến sào tại Cần Giờ cần lưu ý, đầu tư phát triển. Để nâng cao giá trị sản phẩm ngành hàng này, cần tập trung quản lý chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì; các mẫu mã phải bắt mắt, hiện đại sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài nước tìm đến sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao này.

Ông Lê Việt Bảo – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thông tin, nuôi chim yến và khai thác lấy tổ yến trên địa bàn TP.HCM bắt đầu từ năm 2008. Từ năm 2008 – 2016, tại huyện Cần Giờ có 10 nhà nuôi yến được thành phố thí điểm. Hiện trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có 735 nhà, trong đó Cần Giờ chiếm 545 nhà; tuy nhiên số nhà yến chuyên dụng (xây dựng bằng gạch, bê tông cốt thép chỉ phục vụ nuôi yến) chiếm 23,13%, còn lại 76,87% nhà nuôi yến kết hợp với nhà ở. Cụ thể, hiện nhà yến tại TP.HCM xây dựng trên đất nông nghiệp chiếm 10%; xây dựng trên đất nông nghiệp là 66,67%; xây dựng trên đất ở và đất khác 22%. Có thể nói việc xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ chưa thật sự mang tính đặc trưng, vì vậy sản phẩm này vẫn chưa tiếp cận được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Thương hiệu yến sào Cần Giờ đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Ông Hồ Ngọc Thiện – Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ đánh giá, nghề nuôi chim yến đóng góp không nhỏ cho cơ cấu giá trị kinh tế ngành nông nghiệp địa phương. Năm 2022, huyện Cần Giờ thu hoạch 14.100 kg yến thô, đạt giá trị 310,2 tỷ đồng (giá hiện hành 22 triệu đồng/kg). Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm yến Cần Giờ chủ yếu bán ở dạng thô, chưa đạt được giá trị kinh tế tối đa về dòng sản phẩm nông nghiệp này…

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thương hiệu yến sào Việt Nam có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường quốc tế, so với các nước Thái Lan, Inđônêxia, Malaysia,… Tuy nhiên, hiện yến sào Việt Nam chưa làm tốt việc xây dựng thương hiệu, do đó nhiều người không biết đến sản phẩm yến sào, trong đó có yến sào Cần Giờ. Để giải quyết vấn đề này cần phải định hình được phương thức xây dựng thương hiệu yến sào Cần Giờ để nâng cao giá trị sản phẩm và có thể đi xa hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đánh giá cao tiềm năng của ngành nuôi yến tại TP.HCM. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế về tiềm năng đó, không chỉ các nhà quản lý, nhà khoa học mà cả những nhà sản xuất, kinh doanh và người dân nuôi chim yến Thành phố nói chung và Cần Giờ nói riêng cần phải khai thác những điểm mạnh của sản phẩm thông qua việc đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, bao bì,… đây là điểm cốt lỗi để phát triển giá trị cho sản phẩm dinh dưỡng này. Nếu sau khi có thương hiệu đặc trưng, thông qua sự tư vấn, hỗ trợ của Sở Công Thương Thành phố sẽ kết nối sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, khi đó sẽ thu hút một lượng khách hàng trên cả nước quan tâm và tìm đến sản phẩm yến TP.HCM mà đặc trưng là yến Cần Giờ, khi đó chắc chắn giá trị kinh tế sẽ được nâng cao và phát triển vượt bậc; tạo ra những sản phẩm chất lượng và đặc trưng riêng của Thành phố phục vụ người dân địa phương và khách du lịch khi đến với TP.HCM.

M.Hiếu