tình hình sinh vật hại cây trồng đến ngày 14/3/2023 và dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng đến ngày 21/3/2023

I. TIẾN ĐỘ SẢN XUẤT CÂY TRỒNG

  1. Cây rau: Diện tích gieo trồng rau từ đầu năm 2023 đến nay là 2.951,5 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng rau muống hạt là 86,8 ha và rau muống nước là 830,2 ha.
  2. Cây lúa:

Cây lúa vụ Đông xuân 2022 – 2023: đã xuống giống 4.148 ha thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (4.422 ha), trong đó huyện Củ Chi 3.292 ha, Hóc Môn 786 ha, Quận Bình Tân 70 ha. Cây lúa tập trung giai đoạn làm đòng 89 ha, trổ 316 ha, chín 1.371 ha, thu hoạch 2.372 ha.

cay-mai-bi-sau-an-la-non
  1. Hoa lan, cây kiểng: Diện tích hoa, cây kiểng từ đầu năm 2023 đến nay là 1.699,8 ha. Trong đó, diện tích hoa mai: 765 ha, diện tích hoa lan: 340 ha, diện tích gieo trồng hoa nền: 19,8 ha và diện tích kiểng – bonsai: 575 ha.
  2. Cây trồng khác: Diện tích cây công nghiệp 1.319 ha; cây lương thực 381,4 ha.

II. TÌNH HÌNH SINH VẬT HẠI

  1. Trên lúa vụ Đông xuân 2022 – 2023

Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên lúa là 667,6 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (460,8 ha). Các sinh vật hại trên lúa hiện nay chủ yếu gồm có: Bọ xít hôi, ốc bươu vàng và bệnh đạo ôn. Các sinh vật hại đều ở mức nhiễm nhẹ.

  1. Trên cây rau:

Tổng diện tích nhiễm sinh vật hại trên rau trong tuần qua là 589,1 ha, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (670,9 ha), trong đó diện tích phòng trừ là 370,6 lượt ha chiếm 62,9% diện tích nhiễm sinh vật hại. Các sinh vật hại chủ yếu là sâu ăn tạp, sâu xanh, bọ nhảy, rầy xám, bệnh rỉ trắng và ốc bươu vàng. Các sinh vật hại đều có mật số và tỉ lệ bệnh ở mức nhẹ.

  1. Trên cây trồng khác

Cây khoai mì: tổng diện tích trồng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá là 0,5 ha, chiếm 0,76% diện tích gieo trồng (65,4 ha). Bệnh gây hại chủ yếu ở mức độ nhẹ dưới 30% và gây hại chủ yếu trên các giống khoai mì KM505 (0,5 ha).

Cây dừa: chưa ghi nhận diện tích bị sâu đầu đen (Opisina arenosella) gây hại trên cây dừa.

Cây bắp: chưa ghi nhận diện tích bị sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) gây hại trên cây bắp.

III. DỰ BÁO TRONG TUẦN TỚI

  1. Trên cây lúa

Rầy nâu: rầy nâu ngoài đồng phổ biến tuổi 5 – trưởng thành với mật số thấp. Chú ý thăm đồng, theo dõi chặt diễn biến của rầy nâu trên đồng để có biện pháp quản lý hiệu quả đối tượng này.

Các loại bệnh hại: thăm đồng thường xuyên, theo dõi sát diễn biến của bệnh hại trên đồng. Cần chú ý bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt giai đoạn lúa đòng trổ – chín.

– Các đối tượng khác xuất hiện và gây hại với tỷ lệ và mật số không cao.

2.  Trên cây rau

Rau ăn lá: cần chú ý các loài sâu hại phổ biến như bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, rầy xám. Ngoài ra cần chú ý phòng trị một số bệnh như thối nhũn, gỉ trắng trên cây rau muống.

– Rau ăn quả: lưu ý các sinh vật hại phổ biến như sâu ăn tạp, sâu xanh, ruồi đục trái, rầy mềm, đốm lá, vàng lá.

3.  Cây hoa kiểng

– Hoa lan: bệnh thán thư, thối thân, vàng lá, đốm lá và một số côn trùng gây hại như nhện đỏ, muỗi đục nụ, ốc sên.

– Hoa mai: sâu ăn lá, rầy xanh, bọ trĩ, bệnh nấm hồng.

4.  Các loại cây trồng khác

Cây khoai mì: cần theo dõi bệnh khảm lá virus đối với diện tích xuống giống mới. Lưu ý các đối tượng sinh vật gây hại như: nhện đỏ, bọ phấn trắng, rệp sáp bột hồng, rệp sáp… gây hại trên sắn giai đoạn phát triển thân lá – phát triển củ – thu hoạch.

– Cây bắp: cần lưu ý sâu keo mùa thu… trên bắp ở giai đoạn 5 lá – xoáy nõn – trỗ cờ. Ngoài ra, lưu ý các đối tượng sinh vật gây hại khác như sâu xám, bệnh đốm lá, chuột,…

– Cây dừa: cần lưu ý các đối tượng như bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu đầu đen.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến bệnh rụng lá đốm tròn trên cây cao su; bệnh Greening, và sâu đục trái trên cây có múi; Sâu đục thân, rệp sáp, rầy đầu vàng trên các ruộng mía giai đoạn đẻ nhánh tích cực và vươn lóng.

 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật