Phòng trừ bệnh hại trên hoa hồng mùa mưa
31/08/2022Hiện nay, hoa hồng được người dân Thành phố ưa chuộng bởi sự đa dạng về giống, màu sắc, mùi hương. Hoa hồng dễ trồng và ra hoa. Tuy nhiên, cây cũng cần chăm sóc định kỳ nếu không cây dễ bị bệnh hại tấn công làm cây còi cọc, chậm lớn, ít hoa thậm chí có thể làm chết cây. Đặc biệt vào mùa mưa cây hồng dễ bị nấm bệnh hơn do độ ẩm không khí cao, là môi trường thuận lợi để nấm bệnh phát sinh và phát triển.
1. Về nguyên tắc chung để phòng trừ bệnh
Khi cây bị bệnh, tiến hành loại bỏ các cành, lá bị bệnh đồng thời thu gom và tiêu hủy để tránh lây lan, phát tán nguồn bệnh. Khi cây bị nhiệm bệnh nặng thì cách ly ra khỏi khu vực trồng. Không tưới nước trực tiếp trên lá, ngưng bón phân và phun thuốc trừ bệnh trên cả hai mặt lá theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì.
Cây sau khi bệnh sẽ phát triển kém, để cây mau phục hồi, có thể tưới kích rễ cho cây đồng thời bổ sung dinh dưỡng như phân hữu cơ, phân vô cơ, dịch trùn quế… cho cây.
Để hạn chế cây bị bệnh, sau khi mưa nên tưới rửa cây bằng nước sạch, đồng thời vào mùa mưa nên xịt thuốc phòng bệnh định kỳ cho cây và cắt tỉa tạo độ thoáng và giúp cây có điều kiện sinh trưởng nhanh và mạnh.
2. Một số bệnh hại thường gặp trong trong mùa mưa và các loại thuốc thuốc trừ bệnh.
a) Bệnh đốm lá
Khi cây bị nhiễm bệnh, trên lá sẽ xuất hiện những vết bệnh hình tròn hoặc bất định, màu nâu hoặc đen ở giữa vết bệnh màu xám nhạt, xung quanh màu đen, sau đó phát triển thành những đốm đen to và viền có răng cưa mịn. Bệnh thường xuất hiện trên lá bánh tẻ và vết bệnh xuất hiện ở cả hai mặt lá. Khi lá bị nhiễm bệnh sẽ vàng và rụng, nếu bệnh nặng lá sẽ rụng hàng loạt. Sau khi bị rụng lá, cây giảm khả năng quang hợp, suy yếu dần, hoa kém.
Bệnh đốm lá
Các loại thuốc trừ bệnh
Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Hexaconazole (Anvil 5SC, Saizole 5SC, Evitin 50SC …), Chlorothalonil (Daconil 500SC, Sulonil 720SC …), Difenoconazole (Score 250EC, Kacie 250EC …) theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc để có hiệu quả tốt hơn.
b) Bệnh thán thư
Khi bị nhiễm bệnh, trên lá sẽ xuất hiện các vết bệnh; thường hình thành từ chóp lá, mép lá hoặc giữa phiến lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm tròn nhỏ, giữa vết bệnh có màu xám nhạt hơi lõm, xung quanh có viền nâu đỏ hoặc nâu đen. Trên lá già, tâm vết bệnh thường có màu xám nhạt và bị rách ở phần mô bệnh. Nhiều vết bệnh tập hợp lại thành mảng cháy lớn trên lá. Trên mô bệnh giai đoạn về sau thường hình thành các hạt đen nhỏ li ti. Khi gặp điều kiện ẩm ướt vết bệnh lan rộng. Bệnh thường gây hại trên lá bánh tẻ hoặc lá già. Bệnh nặng sẽ làm lá chết khô và rụng sớm, ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây.
Bệnh thán thư
Các loại thuốc trừ bệnh:
Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Azoxystrobin (Amistar® 250 SC …), Difenoconazole (Score 250EC, Kacie 250EC …), hoặc kết hợp cả hai hoạt chất Azoxystrobin+ Difenoconazole (Amistar top 325SC…) theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì. Nên sử dụng luân phiên các loại thuốc để có hiệu quả tốt hơn.
c) Bệnh đen thân hoa hồng
Khi nhiễm bệnh, trên thân hoặc cành sẽ xuất hiện những vết nâu đen hoặc đen, ban đầu là những vệt nhỏ, sau lan rộng và kéo dài; kèm theo hiện tượng đen thân là trên thân hoặc cành bị đen lá sẽ bị héo, khô nhưng vẫn còn màu xanh. Vết bệnh lan rất nhanh, nếu không phát hiện kịp thời sẽ gây chết một phần hoặc toàn cây.
Bệnh đen thân hoa hồng
Cách trừ bệnh
Cắt bỏ những đoạn thân, cành bị nhiễm bệnh, nên cắt dưới đoạn nhiễm bệnh ít nhất 3-5 cm (phần sau khi cắt có màu trắng), sau khi cắt dùng thuốc có hoạt chất Mancozeb (Manozeb 80 WP, Dithane M-45 80WP…) pha sệt bôi vào vết cắt. Đồng thời dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất như: Mancozeb (Manozeb 80 WP, Dithane M-45 80WP…), Chlorothalonil (Daconil 500SC, Sulonil 720SC …) phun để kiểm soát bệnh hoặc sử dụng chế phẩm có tên thương mại AGRI-FOS 400 tưới gốc và phun thân, lá theo hướng dẫn.
(Nguyen Thanh-PKT)