PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TRONG CHĂN NUÔI TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
09/03/2022Hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang đề ra nhiệm vụ tập trung là: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa bò của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố…”.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, diện tích đất canh tác đang có xu hướng giảm dần, tuy nhiên nông nghiệp thành phố phải đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng, chất lượng, phong phú và đa dạng. Do đó, thành phố phải tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và liên kết phối hợp với các tỉnh khác để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho người dân thành phố.
Về mục tiêu của phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi như:
1. Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung; đồng thời duy trì và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có quy mô lớn theo phương thức chăn nuôi tiên tiến, kết hợp với chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, chăn nuôi theo hướng GAP (Thành phố đang chuyển dần những hộ nuôi bò sữa quy mô nhỏ kém hiệu quả sang nuôi quy mô lớn hơn > 20 con); hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh; khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng tại các cơ sở chăn nuôi; tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch và bảo vệ môi trường; hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, ổn định lâu dài; nâng cao năng suất và chất lượng sữa bò, giống heo, giống bò sữa, bò thịt.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dịch bệnh; công nghệ cảm biến trong cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cơ sở giết mổ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ kỹ thuật trong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ cao liên quan lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
Trong những năm qua, thành phố cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn cụ thể như Quyết định 655 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020.
Hiện nay, công nghệ cao được ứng dụng vào chăn nuôi là đưa các tiến bộ kỹ thuật nhằm thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo đảm đạt được lợi nhuận cao vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, việc này được thực hiện qua rất nhiều khâu, từ chọn tạo con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccin thú y phòng chống dịch bệnh, cho đến tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường… Từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn, thuốc thú y chất lượng cao, tự động hóa chuồng trại đến chế biến, tiêu thụ, … góp phần giảm được công lao động, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm được giá thành tăng sức cạnh tranh trên thị trường so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Mô hình chăn nuôi công nghệ cao còn tạo thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi có quy mô lớn hơn, tập trung hơn và hiệu quả hơn.Tương lai, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hướng tới tự động hóa mọi quy trình, giảm bớt gánh nặng can thiệp của con người.
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, vận động người dân phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trung tâm đã thực hiện các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là hướng đi mới, khắc phục những hạn chế của tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, bảo đảm tính ổn định và phát triển bền vững, giúp tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng chất lượng sản phẩm, phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hội thảo, thực hiện mô hình trình diễn mô hình chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, hầu hết các hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong khâu vắt sữa bò, chế biến thức ăn cho bò, cơ giới hóa chuồng trại trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống, dần dần các hộ chăn nuôi hướng đến việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu vắt sữa bò, khâu chế biến thức ăn, cơ giới hóa chuồng trại.
Đối với chăn nuôi bò thịt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn, hộ sử dụng máy băm, cắt cỏ và trộn thức ăn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống. Nâng cao tỷ lệ sử dụng hầm biogas và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Đối với chăn nuôi heo, ứng dụng công nghệ cho ăn, uống tự động vào chuồng nuôi heo.
Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ chí Minh trong thời gian tới vẫn tiếp tục áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang trang trại quy mô lớn; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến cho người chăn nuôi. Tiếp tục cải thiện con giống có năng suất và chất lượng cao, tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển đàn vật nuôi theo hướng công nghệ cao.
Tuy nhiên, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn như sau:
- Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao còn rất hạn chế do ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cần có vốn lớn, mức đầu tư lớn hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Tốc độ đô thị hóa của thành phố tăng nhanh, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm, hạ tầng phục vụ chăn nuôi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu về chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
- Về nhân lực, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để ứng dụng, chuyển giao còn thiếu do đó phải tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp trong các trang trại
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chăn nuôi nói riêng nhờ các thiết bị làm việc chính xác sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều loại nông sản đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng. Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy sức mạnh của mình qua các công nghệ hiện đại sao cho phù hợp với các điều kiện sản xuất của thành phố. Thông tin tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông
Ths Huỳnh Thị Bích Nga (Tổng hợp)