Ngành nông nghiệp Thành phố thực hiện công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt

     Chuột là loại động vật rất tinh khôn và nhanh nhẹn, có bộ răng phát triển liên tục cả vòng đời, do đó chuột thường hay phải mài răng, cắn phá, gặm nhấm tất cả các thứ, ban ngày thường ẩn núp trong hang hoặc những nơi kín đáo, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, tập trung nhiều nhất là chiều tối và sáng sớm, chuột có khả năng di chuyển đi xa, từ nơi này sang nơi khác để ẩn trốn và tìm thức ăn. Hơn nữa chuột sinh sản nhanh, mỗi năm chuột cái có thể sinh được 5 lứa, mỗi lứa sinh từ 5 – 7 con và khi gặp điều kiện thuận lợi, số lượng chuột tăng rất nhanh, cho nên sức gây hại của chuột đến đời sống cũng như tình hình sản xuất mùa vụ trong ngành nông nghiệp của con người càng nghiêm trọng.

     Do đó, có thể nói chuột là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống con người; đặc biệt chuột gây hại rất lớn cho sản suất mùa màng, đến năng suất sản xuất trong đó chủ yếu gây hại hầu hết đến các loại cây trồng (lúa, rau màu,…) ở các giai đoạn sinh trưởng,..

    Vì vậy, để hạn chế chuột phát sinh gây hại trên diện rộng, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), ngày 26/6/2024 ngành Nông nghiệp Thành phố ban hành công văn số 2028/SNN-CCTTBVTV với nội dung đề nghị các đơn vị trực thuộc liên quan thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột để đề xuất các biện pháp phòng trừ thích hợp và kịp thờil; tập huấn, tuyên truyền về tác hại của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi; hướng dẫn địa phương thực hiện tốt việc sản xuất, chăm sóc cây trồng kết hợp với phòng, chống chuột để bảo vệ sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn Thành phố; kịp thời phát hiện các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện công tác phòng, chống chuột trên địa bàn.

     Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn Thành phố; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn về tác hại của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi cho người dân.

(Đính kèm công văn số 2028/SNN-CCTTBVTV ngày 26/6/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh)

M.Hiếu