Câu hỏi – đáp về trồng lá trầu bà kiểng

Câu hỏi:

Bạn kientrucngochan@gmail.com có hỏi: Tôi muốn trồng lá trầu bà kiểng để cắt lá bán, xin quý cơ quan hướng dẫn. Xin cám ơn.

Trả lời:

Thư của bạn được ThS.Nguyễn Thị Như Hạnh – CBKT Trung tâm Khuyến nông TP trả lời như sau:

Trên địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh có rất nhiều loại kiểng lá đẹp, có giá trị. Trong số đó có kiểng Trầu bà chân vịt là một loại kiểng lá dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trầu bà chân vịt là cây thân cỏ, sống lâu năm, thân cây to, có thể dài đến vài mét, đốt thân có rễ sinh khí. Lá hình tim, xẻ thuỳ rất mạnh – đây là điểm đặc trưng của giống này.

1/ Thời vụ: Trồng quanh năm, cây sinh trưởng và phát triển tốt trong việc chủ động nguồn nước.

2/ Đất trồng, thiết kế nhà trồng: Đất trồng thường là đất chứa nhiều mùn nhưng phải tơi xốp. Đặc biệt, nếu trồng trầu bà chân vịt dưới giàn treo phong lan là một mô hình lý tưởng để “lấy ngắn nuôi dài” trong giai đoạn đầu khi lan chưa có hoa.

Điều đặc biệt đối với loại cây trồng này là chịu bóng râm.

3/ Khoảng cách trồng: Cây cách cây 50cm, Hàng cách hàng 50 cm.

4/ Giống: Sử dụng: cây giống cao khoảng 20 – 25 cm tính từ gốc cây đến hết chiều dài lá lớn nhất, cây mang 3 – 5 lá.

5/ Chăm sóc

– Phân bón: + Lượng phân bón cho 1.000 m2 như sau:

+ Phân HCSH: 3 tấn

+ Phân DAP: 100 kg

+ Tro trấu 40 bao

+ Phân NPK: 80kg (sử dụng cho  bón thúc)

– Tưới nước: 1 lần/ngày, vào những ngày mưa thì không cần tưới.

– Sâu bệnh:

Vì mục đích của việc trồng trầu bà chân vịt là lấy lá nên phải giữ bộ lá đẹp, mướt, không sâu bệnh. Trên cây trầu bà chân vịt chú ý sâu cắn lá (sử dụng thuốc trừ sâu Sherpa hoặc Shertox hay SecsaiGon để phòng trị.

6/ Thu hoạch: Sau khi trồng 12 tháng là có thể thu hoạch được. Chọn những lá có kích thước lớn, đều và đẹp. Bình quân mỗi cây có thể thu từ 2 – 4 lá tuỳ theo tình hình cây.

ThS. Nguyễn Thị Như Hạnh – CBKT Trung tâm Khuyến nông