Câu hỏi – đáp về sót nhau trên heo
03/11/2023Câu hỏi – đáp:
Bạn Trung ở Long Thành – Đồng Nai có hỏi thế nào gọi là sót nhau? Cách xử lý trong trường hợp bị sót nhau? Xin chuyên gia tư vấn giúp!
Trả lời:
Thư của bạn Trung ở Long Thành – Đồng Nai được Th.S Huỳnh Thị Bích Nga – Trưởng phòng TTTT TTKN TP trả lời như sau:
– Trong quá trình heo sinh thường, sau khi thai ra hết khoảng 10 – 60 phút nhau sẽ ra. Nếu quá thời gian trên mà nhau chưa ra thì gọi là sót nhau.
– Các dạng sót nhau thai:
+ Thể sót nhau hoàn toàn: toàn bộ nhau thai còn dính ở niêm mạc của cả hai bên sừng tử cung.
+ Thể sót nhau từng phần: chỉ còn một phần của màng nhung hoặc nhúm nhau thai dính với niêm mạc tử cung còn lại đã tách khỏi niêm mạc tử cung.
− Nguyên nhân:
+ Tử cung co bóp kém không đẩy được nhau thai ra do sinh nhiều lứa, nhiều thai, thai to, heo mẹ ít vận động trong thời gian mang thai, khẩu phần ăn thiếu can xi, heo mẹ quá gầy hoặc quá béo.
+ Do khi can thiệp còn để sót nhau lại…
+ Heo nái bị viêm niêm mạc tử cung nên sau khi sinh nhau không ra hết.
− Chẩn đoán sót nhau:
+ Kiểm tra cuống rốn: khi nhau ra hết, trải nhau ra nền phẳng, kiểm tra cuống rốn, mỗi con tương ứng 1 cuống rốn, nếu thiếu là sót.
+ Quan sát biểu hiện của heo mẹ: heo mẹ sinh xong vẫn còn hiện tượng rặn sinh, hay nằm sấp, heo bị sốt trong 1 – 2 ngày, cắn con, không cho con bú, dịch chảy ra có màu đục, lẫn máu, mùi hôi tanh…
− Cách xử lý khi heo mẹ bị sót nhau:
+ Ngay sau khi heo mẹ sinh xong, tiến hành tiêm cho heo nái 2ml oxytoxin.
+ Thụt rửa tử cung bằng dung dịch nước muối sinh lý (9 phần nghìn).
+ Nếu heo nái bị sốt tiêm thuốc kháng viêm, hạ sốt, kháng sinh.
Chú ý: Chỉ trong trường hợp thật cần thiết mới thụt rửa tử cung vì khi thụt rửa không đúng kỹ thuật hoặc nồng độ dung dịch thụt rửa cao sẽ làm tổn thương niêm mạc tử cung, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các lứa sau.
Th.S Huỳnh Thị Bích Nga – Trưởng phòng TTTT TTKN TP