Câu hỏi – đáp về kỹ thuật chuẩn bị và thiết kế hệ thống khu nuôi theo công nghệ nuôi tôm Semi-biofloc
07/11/2023Câu hỏi:
Bạn Thịnh có địa chỉ Email tranquangthinh52@gmail.com hỏi: Tôi đang tìm hiểu về công nghệ nuôi tôm Semi-biofloc thực tế. Như Anh-Chị cũng biết, khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế bắt tay vào nuôi tôm là rất lớn. Tôi muốn tìm hiểu kỹ về kỹ thuật chuẩn bị và thiết kế hệ thống khu nuôi. Mong Anh – Chị giúp đỡ. xin cám ơn!
Trả lời:
Chào bạn Thịnh, thư của bạn được ThS. Trần Ngọc Quốc Tường – Phòng Kỹ thuật TTKN trả lời như sau:
1. Về thiết kế khu nuôi
Việc thiết kế hệ thống ao nuôi quyết định rất lớn đến sự thành công khi nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ cao, chính vì thế thiết kế ao nuôi theo chuẩn, đảm bảo các yếu tố để tránh rủi ro là rất quan trọng.
– Diện tích ao ương: 150 – 300 m2, Ao nuôi tôm diện tích: 1.200 – 1.500 m2, ao lắng thô 2.000 – 3.000 m2.
– Ao nuôi tôm nên được trải bạt và phủ bạt quanh bờ ao.
– Độ sâu của ao: 1,8 – 2, 5m, duy trì ổn định mực nước ao ở mức 1.5 – 2m
– Nguồn nước cung cấp cho khu vực nuôi tôm phải dồi dào, dễ dàng cấp thoát nước khi cần thiết.
– Nước được lọc bằng lưới kích cỡ 200 micron khi cấp vào ao nuôi.
– Diện tích nuôi cho phép thiết kế ao lắng, ao trữ, dễ dàng cấp thoát nước đáp ứng yêu cầu xã mùn bã đáy ao (xi phông đáy) mỗi ngày.
– Ao nuôi có hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước tạo được các khu vực gom mùn bã, thúc ăn dư thừa đáy ao.
– Khuyến cáo hộ nuôi nên sử dụng hệ thống Biogas tận dụng nguồn khí CO2 , sử dụng nguồn khí gas làm chất đốt sinh hoạt hằng ngày cho gia đình.
Có màng che lưới lan: Nuôi tôm sử dụng lưới che giúp giảm các chi phí như:
– Kiểm soát tốt môi trường, xử lý hệ thống quạt nước.
– Giảm chi phí thức ăn, giúp tôm tăng khả năng sinh trưởng, phòng – chống các loại dịch bệnh ở tôm và chống nóng cho tôm.
– Tôm nhanh lớn trong mùa nắng nóng, đồng thời hạn chế tảo xuất hiện.
1.1. Ao nuôi
Được thiết kế có hình dạng ao vuông diện tích trung bình 1.500m2, được bo tròn 4 góc giúp đảm bảo dòng chảy tốt trong ao, có thể tận dụng các ao hình chữ nhật những tỉ lệ giữa chiều dài và chiều rộng cần ở mức 5:4, nếu không việc thu gom chất thải sẽ gặp nhiều khó khăn và không đem lại hiệu quả.
Ao nuôi cần được lót bạt, trước khi lót bạt cần thiết kế hệ thống siphon giúp thu gom chất thải một cách dễ dàng, hệ thống siphon được thiết kế có thể siphon tự động hoặc siphon bằng tay nhằm kiểm soát ao nuôi được tốt hơn.
Với mỗi ao nuôi kích thước 1.500m2 thì cần trang bị 4 dàn quạt nước loại 20 cánh công suất 5HP và 1 hệ thống sục khí đáy 40-50 vỉ công suất 2-3HP.
Ao nuôi thiết kế cầu cho ăn dài 12m, được làm bằng vật liệu có sẵn tại mỗi vùng đảm bảo chắc chắn. Tại đầu cầu lắp máy cho ăn tự động công suất 0,5HP được điều chỉnh bằng thiết bị điện tử quy định thời gian nghỉ giữa mỗi lần cho ăn là bằng phút và thời gian mỗi lần quay là được tính bằng giây.
1.2. Ao ương
Về cơ bản ao ương được thiết kế giống ao nuôi nhưng diện tích nhỏ hơn, trung bình 300 – 400m2 và tùy thuộc vào mật độ nuôi ở giai đoạn 2. Mật độ ương ở giai đoạn 1 từ 500 – 1000post/m2.
Đối với ao tôm giai đoạn 1 thì hệ thống cấp oxi và khuấy đảo nước nên được sử dụng sục khí đáy là chủ yếu, các vòi sục khí đáy nên được đặt phân bố đều trong ao, chỉ nên sử dụng một dàn quạt để tạo dòng chảy là đủ.
Ao ương cần được trang bị lưới lan để giảm bớt cường độ ánh sáng mặt trời giữ cho mật độ tảo phát triển một cách ổn định trong những ngày nắng nóng, lúc mưa lớn.
1.3. Ao lắng và xử lý cấp bù
Đây là ao để diệt khuẩn nước, làm môi trường và dự trữ nước đã qua xử lý để cấp bù vào lượng nước hao hụt do siphon và bay hơi cho ao ương và ao nuôi, một số khu vực không bị hạn chế về diện tích thì có thể thiết kế ao lắng và ao xử lý cấp bù như một ao nuôi.
Một số khu vực có diện tích hạn chế, và một số chủ ao còn khó khăn về điều kiện thì chỉ cần thiết kế làm sao ao lắng và xử lý cấp bù thực hiện đúng nhiệm vụ xử lý và chứa nước là được.
1.4. Khu chứa chất thải
Nhằm đảm bảo chất thải trong quá trình nuôi được xử lý phù hợp trước khi thải ra môi trường. Chất thải như phân tôm, xác tôm lột, tôm chết, mùn xác hữu cơ sau khi được gom về ao chứa nước thải, sẽ được xử lý bằng vi sinh và được kiểm tra các chỉ tiêu phù hợp với quy định
2. Lấy nước và xử lý
Sau khi kết thúc mỗi vụ nuôi trước cần rửa hệ thống cống, rảnh, thiết bị siphon đảm bảo các chất thải không còn lại trong đường ống, các chất này sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Cần xử lý các thiết bị trong ao, khu vực bờ và lân cận bằng chlorine 50ppm trong 30 phút sau đó phơi nắng.
Nguồn nước được sử dụng có độ mặn thích hợp 15-20%0, ở độ mặn này rất thích hợp cho sự hình thành và phát triển của biofloc cũng như sự phát triển chiếm ưu thế của các loài tảo.
Nước được bơm qua túi vải lọc 300micromet để lắng và ổn định từ 2-3 ngày mới tiến hành diệt tạp bằng saponin với liều 15-20ppm, sau đó lắng tụ bớt các chất phù sa trong nước bằng thuốc tím KMNO4 với liều lượng 3-5kg/1000m3 và chất keo tụ. Sau khi làm giảm các chất hữu cơ phù sa lơ lửng thì tiến hành diệt khuẩn bằng chlorine Ca(Clo)2 liều lượng 40-50ppm vào lúc 1-2h sáng (chú ý tránh thời điểm pH cao, không lạm dụng quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi).
Chạy quạt liên tục 2-3 ngày để loại bỏ hết dư lượng chlorine hoặc có thể trung hòa lượng chlorine trong ao bằng sodium thiosulfate, sử dụng thuốc thử chlorine indicator strips của Anh để kiểm tra chắc chắn đã hết chlor.
*Lưu ý: Đối với ao lắng vào ao xử lý cấp bù, thì xử lý nước theo quy trình này như ao nuôi để cấp bù vào lượng nước hao hụt do siphon và bay hơi.
ThS. Trần Ngọc Quốc Tường – Phòng Kỹ thuật TTKN