Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050

Với quan điểm phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phê duyệt Đề án số 5190/QĐ-BNN-BVTV về phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, với mục tiêu chung, khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ – hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2030: nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; Nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm; Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm; Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn); Ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế địa phương; 100% số tỉnh, thành có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương;        …

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đề ra một số nhiệm vụ để thực hiện Đề án như Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phân bón; Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm phân bón hữu cơ; Phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Triển khai các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và xây dựng chuỗi liên kết; Thúc đẩy sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và sản xuất phân bón quy mô nông hộ; Thúc đẩy sản xuất các chế phẩm sinh học, vi sinh vật sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ.

Trúc Minh